Đô đốc Mỹ cảnh báo ASEAN khi đàm phán COC với Trung Quốc

Ông Davidson kêu gọi các nước ASEAN cần đảm bảo rằng COC nếu đạt được sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải của các nước liên quan.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip S.Davidson ngày 24/11 phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Halifax, Nova Scotia, Canada nhấn mạnh, tự do hàng hải, hàng không trên toàn cầu, bao gồm cả ở

– nơi hàng nghìn tỷ USD hàng hóa được giao thương qua đây mỗi năm là rất quan trọng.

Đô đốc Philip S.Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Military.com

Đô đốc Philip S.Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Military.com

“Trong những năm qua, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo [Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để tạo ra – ND] trên Biển Đông và tăng cường năng lực ở đó. Bây giờ, Trung Quốc muốn có được bộ quy tắc ứng xử giữa họ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để hoạt động ở những vùng biển đó”, Đô đốc Davidson chỉ rõ.

Ông Davidson kêu gọi các quốc gia ASEAN cần phải đảm bảo rằng nếu đạt được một bộ quy tắc như vậy sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải, khả năng hoạt động trên biển, hoạt động thương mại và tập trận của các nước trong khu vực; đồng thời lưu ý rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của Washington sẽ hỗ trợ quyền tự do hàng hải của các nước ASEAN.

“Canada, New Zealand, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đều cho tàu, thuyền đi qua Biển Đông và tham gia tập trận quân sự ở đó”, ông Davidson lưu ý.

Bản thân Mỹ cũng đã tăng cường các hoạt động ở Biển Đông, ông Davidson cho biết. Một số hoạt động tự do hàng hải đã được Mỹ tiến hành ở Biển Đông vào tháng 9 và tháng 10, gần đây nhất là ngay trong tháng 11 này.

Trước đó, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen cho biết, chỉ trong vài ngày qua, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã có 2 lần áp sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Bà Mommsen nói với Reuters rằng các hoạt động được thực hiện vào ngày 20 và 21/11 gần Quần đảo Hoàng Sa và Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép-ND). Cụ thể, hôm 20/11, tàu tuần duyên Gabrielle Giffords đã đi trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn; hôm 21/11, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã thách thức những hạn chế đối với tuyến đường thủy thông thường ở quần đảo Hoàng Sa.

"Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc duy trì các quyền, quyền tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận được bảo đảm cho tất cả các quốc gia", bà Mommsen nhấn mạnh.

Mỹ nêu cao cảnh giác trước hoạt động của Trung Quốc

Theo Đô đốc Philip S.Davidson, việc thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh khi Mỹ tiếp tục luân chuyển lực lượng từ các căn cứ ở Nhật Bản sang Singapore.

Cũng trong tuần qua, khi có bài phát biểu ở Học viện Ngoại giao nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chính sách của Washington, đồng thời khẳng định cam kết không thay đổi đối với khu vực này.

“Mỹ là quốc gia nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Washington có lợi ích chiến lược và kinh tế lâu dài ở khu vực và có sự cam kết đối với sự tiếp tục ổn định và thịnh vượng ở đây. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác như Việt Nam, Mỹ sẽ cạnh tranh quyết liệt để thúc đẩy tầm nhìn của mình và chống lại những nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự chủ và tự do lựa chọn”, ông Esper cho biết.

Bộ trưởng Esper lưu ý, tầm nhìn bao trùm của Mỹ mở rộng đến tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc. Washington sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến kết quả với Bắc Kinh và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác và điểm tương đồng vì lợi ích chung. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không ngại ngần vạch mặt chỉ tên và chống lại những hành vi cưỡng ép khi phát hiện ra điều này.

Ông Mark Esper chỉ rõ: “Các nước Đông Nam Á đang ngày càng phải chịu sự cưỡng ép và dọa nạt thông qua nhiều cách thức, trực tiếp thách thức những nền tảng cơ bản của một trật tự dựa trên luật lệ, rộng mở và tự do. Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Biển Đông là một ví dụ tiêu biểu cho hành vi ứng xử này. Thời kỳ hòa bình lâu dài đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ở gần như mọi quốc gia châu Á đang phải nhường chỗ cho một phong cách ứng xử kiểu Trung Quốc, vi phạm quyền chủ quyền của các nước khác”.

Có cùng quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Esper, Đô đốc Davidson nói: “Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Họ cũng đang hoạt động trên toàn cầu, bao gồm các khu vực xung quanh Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi. Việc triển khai Hải quân trên toàn cầu của Trung Quốc trong 30 tháng qua còn nhiều hơn 30 năm trước đó”.

Theo ông Davidson, Trung Quốc cũng đang phát triển và khai thác các lên lửa đạn đạo, tên lửa siêu âm tiến tiến. Để đáp lại, Mỹ sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và phát triển các vũ khí chính xác cao như một biện pháp răn đe.

“Tự do và việc đảm bảo trật tự quốc tế là những điều đáng để bảo vệ”, Đô đốc Davidson kết luận./.

Hùng Cường/VOV.VN
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/do-doc-my-canh-bao-asean-khi-dam-phan-coc-voi-trung-quoc-982404.vov