Do dự, Mỹ đẩy Syria vào 'thế khó' trước Nga, Iran?

Không muốn giữ một vai trò lớn trong công cuộc tái thiết, Mỹ khiến Syria trở nên 'dễ tổn thương' hơn bao giờ hết trước Nga và Iran.

Trong khi liên quân do Mỹ dẫn đầu đang dần dần thu hẹp quy mô cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS ở đông bắc Syria, các nhà phân tích cảnh báo rằng, sự “do dự” của Washington trong việc cung cấp nguồn lực cho sứ mệnh tái ổn định khu vực này, có thể góp phần ngày càng mở rộng ảnh hưởng của Nga và Iran tại Syria.

Trong Foreign Policy đưa tin, quân đội liên minh đang tiến gần tới thành lũy cuối cùng của các tay súng IS ở thành phố Hajin, gần biên giới giữa Syria và Iraq. Sau khi IS bị tiêu diệt, thách thức tiếp theo sẽ là cung cấp thực phẩm và dịch vụ thiết yếu cho thường dân, “dọn dẹp” bom mìn tại các thành thị, giúp hàng triệu người tị nạn hồi hương và tái thiết lập luật pháp trên toàn bộ quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump từng không dưới hai lần ám chỉ rằng, Mỹ sẽ không đóng một vai trò chủ chốt trong quá trình tái thiết Syria.

Đầu năm nay, ông Trump đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đóng băng khoản quỹ dự phòng 200 triệu USD dành cho việc khôi phục Syria. Quốc hội Mỹ cũng thất bại khi không thể thông qua một điều khoản được Thượng viện ủng hộ trong đạo luật ngân sách quốc phòng năm nay, theo đó, cung cấp cho Lầu Năm góc 25 triệu USD/năm và gia tăng thẩm quyền hỗ trợ những nỗ lực ổn định tình hình tại quốc gia Trung Đông sau cuộc nội chiến kéo dài 7 năm.

“Có khá nhiều mặt tích cực của việc giúp đỡ quá trình tái thiết”, Will Todman, một học giả của Chương trình Trung Đông, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, nhận định. “Nó giúp ngăn chặn sự trở lại của cùng các điều kiện đã khiến IS trỗi dậy… và đem lại một chỗ đứng và có lẽ là hơn cả một tiếng nói cho Mỹ, trong tương lai của Syria”. Theo Todman, việc ông Trump không muốn dính dáng quá sâu vào Syria, sẽ khiến Mỹ hầu như không có ảnh hưởng tại đây.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và người đồng cấp Nga, Vladimir Putin (ảnh: Foreign Policy)

Ước tính, chi phí để tái xây dựng Syria vào hơn 250 tỷ USD. Theo Liên Hợp Quốc, 13,1 triệu người dân Syria đang cần giúp đỡ, trong đó 6,6 triệu người bị mất nhà cửa và 5,6 triệu người khác phải rời bỏ đất nước từ năm 2011 để tị nạn ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các quốc gia khác.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, để có được bất kỳ vai trò có ý nghĩa nào tại Syria, Mỹ cần phải cam kết đưa ra nhiều nguồn lực và quân lính hơn nữa, trong khi chấp nhận khả năng những gì nhận lại không đáng là bao.

“Khi thực sự đưa quân lính tới thực địa và để tính mạng người Mỹ đối mặt với nguy hiểm, bạn phải đặt câu hỏi: lợi ích chiến lược của Mỹ là gì?”, ông Luke Coffey, Giám đốc Trung tâm Douglas và Sarah Allison về chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản chỉ ra.

Ông phân tích, nước Mỹ chỉ có ảnh hưởng ở một phần nhỏ của Syria – chính là khu vực đông bắc, nơi Lực lượng Dân chủ Syria mà Mỹ “chống lưng”, đang hoạt động.

Vùng tây bắc gần tỉnh Idlib chứng kiến sự hiện diện quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phần còn lại của Syria nằm trong quyền kiểm soát của Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Todman cho rằng, hiện chưa thực sự rõ Nga và Iran sẽ giành được lợi thế gì sau khi củng cố vị trí của họ tại Syria. Quốc gia Trung Đông đã bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột kéo dài nhiều năm; trong khi đó, cả Nga và Iran đều không có đủ tài lực cũng như ý chí để tự mình tiến hành công cuộc tái thiết.

“Bỏ tiền cho tái xây dựng là một cách trao thưởng cho Tổng thống Assad ngay cả khi Mỹ từng kêu gọi lật đổ ông hồi cuộc chiến mới bắt đầu,” Todman nói. “Làm như vậy cũng sẽ khiến Syria trở nên có giá trị hơn cho các đối thủ [của Mỹ] như Nga và Iran”.

Theo một nhân viên của Ủy ban Quân trang Hạ viện Mỹ tiết lộ, hiện chính quyền Tổng thống Trump đang trong quá trình xem xét vai trò của Mỹ trong các hoạt động tái ổn định toàn khu vực.

Còn Melissa Dalton, một học giả cấp cao kiêm phó giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, những lo ngại về vai trò của Bộ Quốc phòng một phần xuất phát từ những gì mà Mỹ đã trải qua tại Iraq và Afghanistan.

“Lịch sử hoạt động của Bộ Quốc phòng trong các sứ mệnh tái ổn định quy mô lớn hơn, thật sự không tốt, và không đưa ra được kết quả ổn định trong tương lai”, bà Dalton nói.

Trong khi đó, theo ông Coffey, một khi liên minh do Mỹ dẫn đầu rút số quân còn lại tại đông bắc Syria, gánh nặng tái thiết gần như chắc chắn sẽ rơi vào chính quyền địa phương, chính phủ Syria và Lực lượng Dân chủ Syria.

Bà Dalton dự đoán, Lực lượng Dân chủ Syria nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Assad về việc điều hành phần lãnh thổ phía đông của đất nước. Tuy nhiên, nếu Mỹ lựa chọn từ bỏ vai trò của mình trong việc điều tiết thỏa thuận trên, Lực lượng Dân chủ Syria sẽ không có bất kỳ lợi thế nào trước chính quyền Assad cũng như các đồng minh của ông là Nga và Iran.

“Đó là một thực tế mà ông Assad đã đạt được trong cuộc chiến tranh này”, bà Dalton kết luận.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/do-du-my-day-syria-vao-the-kho-truoc-nga-iran-355716.html