“Đó là quốc tế” !

LTS: Báo NLĐ số phát hành ngày 14-10 đăng bài phỏng vấn TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, xung quanh vấn đề chất lượng của trường này. Trong bài phỏng vấn, ông hiệu trưởng luôn khẳng định “tính quốc tế” của trường và luôn khẳng định “đó là quốc tế”. Trong bài viết này, tác giả cũng cố gắng đi tìm “tính quốc tế” của trường này, nếu có

Sau khi đọc xong bài phỏng vấn, tôi muốn trao đổi với ông hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ngôi trường mà ông hiệu trưởng - TS Nguyễn Mạnh Hùng, luôn tuyên bố “đó là quốc tế”, có... “phong cách quốc tế”, với mục đích xem trường ĐH này có “tính quốc tế” như thế nào. Cái người học cần Ông hiệu trưởng nói: “Trong suốt 5 năm qua, chúng tôi tiến hành đồng thời các thủ tục, trong đó có thủ tục hợp tác quốc tế với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan...”. Thưa ông, chuyện mới làm thủ tục với chuyện ký kết văn bản hợp tác có khi kéo dài cả... trăm năm. Ông cha ta thường nói “cơm vào miệng có lúc cũng phải ói ra”, huống gì chuyện hợp tác chỉ mới tiến hành thủ tục. Nếu chỉ có những chuyên ngành Nhật Bản học, Trung Quốc học, Đông Nam Á học, VN học, Hoa Kỳ học, Úc học mà bảo “đó là quốc tế” thì trên địa bàn TPHCM này có nhiều trường còn “quốc tế” hơn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ông khoe trường có 3 cơ sở với tổng trị giá 28 triệu USD. Đó không phải chuyện của người học. Người học cần giảng đường, cần đội ngũ giảng viên chất lượng, cần được trang bị phương tiện học tập cần thiết, cần có sân chơi sau những giờ học tập căng thẳng..., chứ không cần biết ông có bao nhiêu triệu USD. Nhiều sách nhưng để ở... gầm cầu thang! Về thư viện nhà trường, ông hiệu trưởng hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi có nhiều sách lắm nhưng thời gian qua cô thủ thư nghỉ sinh 4 tháng nên thư viện trường phải ngưng hoạt động”. Tôi không nghĩ đã là hiệu trưởng của một trường ĐH mà ông khẳng định rằng “Đó là quốc tế” mà lại trả lời như vậy sao? Nhưng cũng dễ hiểu thôi vì sách của ông “chất đống ở kho, gầm cầu thang” chứ đâu có đưa lên kệ, đưa vào thư viện mà sợ vắng thủ thư. “Tôi dám khẳng định 9 tháng nữa chúng tôi sẽ có thư viện mạnh nhất VN tại cơ sở quận 12 với 10.000 đến 20.000 đầu sách quý. Sách quý không có trên thị trường đâu, tôi đã chuẩn bị và sưu tập suốt 40 năm”- ông hiệu trưởng lại nói như vậy. Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ vào số sách đang đóng thùng nói với phóng viên Báo NLĐ: “Sách chúng tôi có rất nhiều!”. Ảnh: TH.VINH Tôi nghĩ những cuốn sách quý của ông chỉ dành cho những người chơi sách, sưu tầm sách chứ chưa chắc là quý với sinh viên, với cán bộ giảng dạy. Nếu những cuốn sách quý ấy có đưa ra thư viện thì ông cũng chỉ chưng trong tủ kính chứ không thể để ai muốn đọc thì đọc, nếu không có bản sao chụp. Nhưng như ông nói, chỉ cần 9 tháng nữa mà thư viện trường ĐH “Đó là quốc tế” của ông “mạnh nhất VN” thì đúng là... “mạnh hơn bom tấn”! Người học có quyền nghi ngờ Ông hiệu trưởng nói: “Giảng viên cơ hữu của trường là 32,6%. Thế là tốt rồi”. Cứ cho là tốt nhưng trong 32,6% ấy có bao nhiêu người có trình độ sau, trên ĐH? “Giảng viên nước ngoài hiện có 10 người đến từ Mỹ và các nước khác”. Tôi tính sơ những ngành “quốc tế” mà trường ông đào tạo, ngoài ngành VN học ra còn đến 6 ngành (chưa kể còn những ngành khác) và ông nói “mỗi chuyên ngành có khoảng 2 giảng viên nước ngoài”, vị chi phải là 12 người. Nhưng những giảng viên này bằng cấp ra sao? Người học có quyền nghi ngờ những giảng viên có trình độ sau, trên ĐH ở Mỹ, Úc, Thái Lan, Nhật Bản... mà phải qua VN, đến trường “quốc tế” của ông để giảng dạy. Trước đây, khi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) thành lập, TS Nguyễn Văn Mười, cán bộ Khoa Ngữ văn Anh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) được mời về phụ trách bộ môn tiếng Anh nhằm giúp sinh viên đạt trình độ tiếng Anh TOEFL 450 điểm để vào học năm thứ nhất. Ông nghe các trung tâm Anh ngữ tại TPHCM quảng cáo rùm beng đâu đâu cũng đầy GS-TS, nhưng khi gặp hỏi có bằng cấp gì không để mời về giảng dạy với mức lương cao gấp đôi, gấp ba lương do mấy trung tâm trả thì ai cũng lắc đầu. Ông nói với tôi: “Người mình dễ lừa thật, ông ạ. Tôi lùng sục cả tháng không tìm được anh Tây nào, dù chỉ cần một giấy chứng nhận bồi dưỡng sư phạm giảng dạy tiếng Anh ngắn hạn. Vậy là “ta dạy ta” vẫn tốt hơn”. Ông hiệu trưởng nói: “Mỗi lớp chương trình quốc tế chỉ 20-30 sinh viên, học bằng tiếng Anh, giảng viên người nước ngoài”. Tôi chỉ mới tính 6 ngành “Đó là quốc tế” của ông và cứ cho tròn mỗi ngành 2 giảng viên người nước ngoài thì làm sao đủ người đảm đương cái “chương trình quốc tế” ấy? Học ĐH chứ phải học bậc tiểu học đâu mà một giáo viên dạy tất tật các môn học? Người học ở trường “Đó là quốc tế” của ông chắc chắn đầu vào không thể như Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ấy mà ai không đủ trình độ TOEFL 450 điểm thì có thầy luyện cả năm để vào học năm thứ nhất, còn phải chăng vì khi vào trường “Đó là quốc tế” thì tự khắc tiếng Anh không học cũng biết? Ông hiệu trưởng lại khoe “không có thú vui nào khác, không uống rượu, hút thuốc mà suốt ngày viết sách, sưu tầm sách và nghiên cứu giáo dục nhưng nhiều người chưa hiểu hết về tôi”. Đó không phải tiêu chí người quản lý giáo dục. Người ta không hiểu hết về ông cũng phải vì không hiểu sao một trường chất lượng bèo bọt như thế mà lại “Đó là quốc tế”. Và cuối cùng, thưa ông hiệu trưởng, tôi chẳng thấy, dù lờ mờ, “tính quốc tế” của Trường ĐH Hồng Bàng. Có lẽ chỉ Bộ GD-ĐT thấy “tính quốc tế” của trường ông nên mới dễ dãi để ông gắn “mác quốc tế” lòe thiên hạ. Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, rất đúng khi gọi những trường như trường của ông là... ĐH “làng”! Và tôi cũng muốn nói thêm, trường của ông có chút an ủi là hơn trường ĐH “làng”... Phan Thiết mà thôi! Nên bỏ 2 chữ “quốc tế” S.R (TPHCM) Trần Hồng (TPHCM) Nguyễn Hà (nguyenha@...)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20091015102710509p0c1017/do-la-quoc-te-.htm