Đỗ Lai Thúy: 'Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa' là một tư liệu quý

LTS: 'Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa' (Myths of the Origin of Fire, 1930), qua bản dịch từ tiếng Pháp của dịch giả Ngô Bình Lâm, với sự hiệu chỉnh theo nguyên bản tiếng Anh của Phạm Minh Quân vừa được tủ sách Văn hóa học vừa ra mắt bạn đọc. Để hiểu thêm giá trị tác phẩm kinh điển này, Người Đô Thị đăng tải lời giới thiệu của PGS-TS. Đỗ Lai Thúy (nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại). Tựa bài do Người Đô Thị đặt.

James George Frazer (1.1.1854 - 7.5.1941) là nhà nhân học người Scotland. Ông là một trong những người sáng lập nền nhân học hiện đại, đặc biệt là nhân học xã hội theo trường phái tiến hóa luận ở Anh, và tôn giáo học so sánh cũng như huyền thoại học.

Frazer tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành văn hóa cổ điển tại trường đại học Glasgow, Scotland. Luận án của ông sau này được xuất bản với tên gọi Sự phát triển của lý thuyết ý tưởng của Platon (The Growth of Plato’s Ideal Theory, 1930). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Cành vàng (The Golden Bough, 1890) gồm 12 tập, ghi chép và nhận diện những nét tương đồng trong niềm tin ma thuật và tôn giáo trên khắp thế giới.

Trong tác phẩm này, Frazer đã chia niềm tin của con người thành ba giai đoạn kế tiếp nhau: Ma thuật - Tôn giáo - Khoa học. Chuỗi tiến hóa đơn tuyến của tư duy này chính là quan điểm được nhân học đương thời thừa nhận. Cành vàng đã có ảnh hưởng sâu sắc tới các học giả sau này như Bronislaw Malinowski, Sigmund Freud, Carl Jung, Mirceá Eliade,… thậm chí tới nhiều tác giả văn học nổi tiếng.

Frazer là một nhà nhân học phòng giấy. Ông không hề đi khảo sát thực địa ngoài các chuyến viếng thăm Ý và Hy Lạp. Nguồn tư liệu chủ yếu của ông đến từ sự tổng hợp hệ thống đồ sộ những tác phẩm lịch sử và văn học cổ điển, những ghi chép, du khảo, hồi ký, nhật ký của các nhà du lịch, thám hiểm, các nhà truyền đạo và nhà dân tộc chí lúc bấy giờ.

Cũng theo tiến hóa luận, nhưng khác với Tylor trong Văn hóa nguyên thủy chỉ sắp xếp các văn hóa ở cạnh nhau theo sơ đồ tiến hóa, Frazer chú trọng nghiên cứu những chỗ “đứt đoạn” trong sơ đồ tiến hóa này. Chính ở chỗ “gập khuỷu” (chữ của Levi - Strauss) đó, chiều sâu thực tại và tư tưởng mới phát lộ, và nhà nghiên cứu muốn diễn giải nó phải có nhãn quan rộng, “ngó trước nhìn sau”. Với Frazer trong nghiên cứu huyền thoại, chỗ quan trọng nhất là giai đoạn chuyển từ ma thuật đến tôn giáo, mà Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa (Myths of the Origin of Fire, 1930) là một ví dụ tiêu biểu.

James George Frazer (1.1.1854 - 7.5.1941)

James George Frazer (1.1.1854 - 7.5.1941)

Lửa là một phát minh quan trọng và vĩ đại nhất của con người. Đó chính là khởi nguyên của huyền thoại. Nghiên cứu các huyền thoại về nguồn gốc của lửa, cũng chính là lĩnh hội được cách ứng xử, cách nghĩ của người cổ sơ để giải quyết một vấn đề trước mắt, hay rộng hơn, trí tuệ con người đặt trong mối quan hệ với những hiện tượng thiên nhiên hay với hiện tượng tinh thần.

Trong công trình này, Frazer đã tổng hợp và phân tích tất cả các giai/huyền thoại về nguồn gốc của lửa rộng khắp trên các khu vực của thế giới, như châu Phi, châu Úc, châu Á, châu Mỹ, khu vực Melanesia, Polynesia và Micronesia ở Thái Bình Dương, ở Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu của mình, Frazer đã khái quát thành ba thời đại theo chuỗi tiến hóa - thời đại chưa/ không có lửa, thời đại dùng lửa, thời đại làm ra lửa. Bên cạnh đó, ông chỉ ra sự tương đồng đáng kể giữa các mô típ huyền thoại (về thần giữ lửa, đối tượng đánh cắp lửa, phương thức lấy lửa, dụng cụ tạo lửa, các loại gỗ giữ lửa) ở những khu vực hoàn toàn khác nhau. Những cứ liệu này được ông trình bày theo ý nghĩa tâm lý học và tiến hóa luận thay vì dựa trên bối cảnh địa lý và văn hóa của nó.

Có thể nói J.G. Frazer là nhà nhân học phòng giấy vĩ đại cuối cùng. Sau ông, ngoài tiến hóa luận thì nhân học đã có những lối đi khác như truyền bá luận, cấu trúc luận, thuyết tương đối văn hóa… Bởi vậy, xuất hiện hàng loạt các nhà nhân học thực địa, nhất là ở Mỹ như F. Boas, M. Mead, R. Benedict… Họ đã trình hiện những tác phẩm khác với của Frazer. Nhưng cách tư duy, cách chọn vấn đề nghiên cứu, tinh thần làm việc,… của James Frazer, thì vẫn là những bài học quý báu với thế hệ sau.

Và, cũng như vậy, Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa, hay Cành vàng, cũng như những công trình khác của James Frazer tuy không còn giá trị chuẩn tắc trong lĩnh vực nhân học hay nhân học văn hóa nữa, nhưng giá trị tư liệu của chúng với tư cách là “bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy” vẫn còn trường tồn, và có tầm quan trọng đặc biệt đối với ngày nay.

Bởi vậy, để góp phần cho sự phát triển ngành nghiên cứu văn hóa, nhân học văn hóa ở Việt Nam, tủ sách Văn hóa học trân trọng giới thiệu tới đông đảo bạn đọc Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa, qua bản dịch từ tiếng Pháp của dịch giả Ngô Bình Lâm, với sự hiệu chỉnh theo nguyên bản tiếng Anh của Phạm Minh Quân.

Bên cạnh những công trình khác đã được giới thiệu, chúng tôi hy vọng ở trong tay bạn đọc, cuốn sách này sẽ trở thành một tư liệu quý phục vụ cho sự trích dẫn, tham khảo và những nghiên cứu liên hệ so sánh với văn hóa Việt Nam.

Đỗ Lai Thúy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/do-lai-thuy-cac-huyen-thoai-ve-nguon-goc-cua-lua-la-mot-tu-lieu-quy-19761.html