Đo lường: Đảm bảo công bằng và tăng sức cạnh tranh

Đo lường là ngành khoa học kỹ thuật chính xác, có vai trò quan trọng trong sản xuất, đời sống. Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng. Đây cũng là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, uy tín đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Công ty Xăng dầu Bắc Thái đang được hỗ trợ để thực hiện mô hình điểm về Chương trình đảm bảo đo lường. Trong ảnh: Hoạt động tại Cửa hàng xăng dầu 27 của Công ty tại địa bàn TP. Sông Công.

Công ty Xăng dầu Bắc Thái đang được hỗ trợ để thực hiện mô hình điểm về Chương trình đảm bảo đo lường. Trong ảnh: Hoạt động tại Cửa hàng xăng dầu 27 của Công ty tại địa bàn TP. Sông Công.

Với vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động đo lường, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chú trọng giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đảm bảo đo lường. Theo đó, Sở thực hiện tuyên truyền về hoạt động đo lường qua hệ thống báo chí, truyền hình, trang thông tin điện tử; tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn; cập nhật các quy định mới về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Ngoài tuyên truyền giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu biết, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đảm bảo đo lường, Sở Khoa học và Công nghệ cũng tích cực hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng và triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường.

Cụ thể, năm 2021, Sở đã lựa chọn 3 doanh nghiệp là: Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo để hỗ trợ thực hiện mô hình điểm về Chương trình đảm bảo đo lường. Đây cũng là 3 doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường theo Đề án 996 về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hay mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn, công bố hỗ trợ Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021, đối với 3 đơn vị, gồm: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt.

Cùng với hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động đo lường, Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc kiểm tra về đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa và sở hữu công nghiệp.

Tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2022, đơn vị đã phối hợp cùng ngành chức năng kiểm tra 11 cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết thuộc lĩnh vực quản lý như: Thiết bị điện, điện tử; xăng, nhiên liệu diesel; vàng, trang sức mỹ nghệ; khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); đồ chơi trẻ em; lương thực, thực phẩm đóng gói sẵn… Qua đó, phát hiện sai phạm và kịp thời chấn chỉnh đối với 6 cơ sở chưa đảm bảo về quy định đo lường.

TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Nhằm quản lý, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả những hoạt động trong lĩnh vực đo lường, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong đảm bảo đo lường; tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn để hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng kiến thức về đo lường; tăng cường công tác thanh kiểm tra trong lĩnh vực đo lường để góp phần làm lành mạnh thị trường, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong giao dịch mua bán hàng hóa, kinh tế.

Sông Hương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cong-nghe/do-luong-dam-bao-cong-bang-va-tang-suc-canh-tranh-303694-99.html