Đồ nướng: Làm gì để an toàn khi ăn?

Chỉ cần biết cách chế biến, món nướng không còn là nỗi lo cho sức khỏe.

Trong những dịp đi chơi lễ, các món nướng trở nên "thu hút", là món ăn khoái khẩu của nhiều người vì mùi vị thơm ngon, hấp dẫn, nhất là trong các dịp tụ tập, gặp gỡ bạn bè, được quây quần bên bếp than với các loại thực phẩm được tẩm ướp rồi nướng lên thơm lừng. Do đó món ăn này rất thích hợp khi nhâm nhi cùng các loại nước giải khát, đặc biệt là bia rượu, giúp các buổi tiệc thêm xôm tụ.

Tuy nhiên, nếu chế biến và lạm dụng ăn không đúng cách, đồ nướng lại gây ra những phiền toái cho cơ thể. Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, món nướng hiện nay không được các nhà dinh dưỡng học khuyến khích dùng vì bị liệt vào loại thức ăn cần cảnh giác trong phòng, chống ung thư. Vậy phải làm thế nào để vừa được thưởng thức các món nướng ngon lành lại vừa hạn chế nguy hại của đồ nướng đối với sức khỏe?

Chia sẻ với chúng tôi, BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt, Viện Dinh dưỡng NutiFood, cho biết: "Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt hay cá nướng trên than ở nhiệt độ 500-6000C, mỡ nhỏ giọt xuống than hồng bốc cháy tạo ra các phân tử hydrocarbone thơm đa vòng, có thể gây ung thư".

Việc nướng trên than còn sản sinh ra nhiều khí CO, có thể gây ra các bệnh về hô hấp... Ảnh minh họa: Internet

Việc nướng trên than còn sản sinh ra nhiều khí CO, có thể gây ra các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, vỉ nướng được làm từ kim loại như nhôm, sắt... ở nhiệt độ cao sẽ có các phản ứng với thực phẩm và gia vị, tạo ra các chất có hại sức khỏe… "Do đó nếu ăn đồ nướng thường xuyên, cơ thể chúng ta có nguy cơ lão hóa sớm và mắc một số bệnh như ung thư, bệnh xương khớp, tim mạch… Bản chất các thực phẩm dù nướng theo cách nào (lò nướng điện, nướng trên than, cồn, bếp điện tử) đều có khả năng sinh ra các chất độc hại" - bác sĩ cho biết thêm.

Để phòng bệnh, BS Nguyệt cho rằng không nên ăn món nướng thường xuyên và phải biết ăn món nướng đúng cách, nên chú ý thời gian nướng và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp để món nướng chín đều, không để thực phẩm bị cháy đen, quá vàng hoặc quá cứng, hoặc chỉ cháy bên ngoài mà bên trong còn sống, lọc bỏ phần bị cháy đen trên thực phẩm nướng, dùng dụng cụ nướng đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Theo chuyên gia để giảm thiểu thời gian nướng (bởi vì nướng càng lâu thì chất HAs (heterocyclic amine (HAs), một hợp chất có thể gây tổn thương ADN và góp phần gây ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, đại tràng) càng được hình thành nhiều hơn). Nên nhớ: làm chín sơ rồi để lên nướng ngay, không để lâu bên ngoài.

Ngoài ra, "nên lưu ý khi nướng hạn chế phát sinh khói bằng cách hạn chế dầu mỡ chảy thẳng xuống bếp than, dùng các lại bếp nướng không phát sinh khói… Bên cạnh đó, khi ăn đồ nướng thường ăn nhiều chủ yếu thịt, cá, hải sản… nguy cơ làm mất cân đối khẩu phần ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa cũng như quá tải các cơ quan khác, do đó để đảm bảo sức khỏe nên ăn kèm với nhiều rau (rau sống, rau hấp, luộc… ), trái cây và không nên uống quá nhiều rượu, bia, nước ngọt, nước có ga" - BS Minh Nguyệt đưa ra lời khuyên.

Hiện nay, vì lợi nhuận hoặc cũng vì đông khách, để phục vụ kịp thời nhiều quán ăn, nhà hàng đã nướng không chín kỹ hoặc sử dụng nguồn gốc thịt không an toàn, không hợp vệ sinh rất dễ gây ra nguy cơ bị nhiễm các bệnh như tiêu chảy cấp hoặc những nguy cơ tiềm ẩn khác. Do đó lựa chọn gia vị cũng như thực phẩm an toàn, những nơi ăn uống hợp vệ sinh để thưởng thức nhé.

NGUYÊN HÀ

Nguồn PLO: http://plo.vn/an-sach-song-khoe/do-nuong-lam-gi-de-an-toan-khi-an-767724.html