Đồ 'si' - 'kho báu' sáng tạo của genZ phong cách

Đồ 'si' từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ mê thời trang, yêu thích sự độc đáo, mới lạ. Tuy nhiên, trong cơn 'bão giá' hiện nay, việc dùng đồ 'si' lại càng được quan tâm hơn, khi nhiều genZ mong muốn học cách phối đồ ấn tượng, tạo phong cách cá tính nhưng vẫn tiết kiệm.

Là một 'tín đồ' thời trang, Trần Tùng Chi (năm thứ nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ lý do yêu thích những món đồ 'si': “Mình là người có cá tính mạnh. Mình không ngại thử các phong cách và mình thích sự độc đáo. Đồ 'si' lại mang một cảm giác rất riêng, rất lạ của từng món một, không dễ dàng để bạn tìm được món thứ hai. Ngoài ra, đồ 'si' có một điểm cộng lớn là giá cả rất phải chăng. Bạn có thể mua những món xịn với giá chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng, thậm chí có thể “nhặt” những món hàng hiệu tiền triệu với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Đồ 'si' cũng rất đa dạng từ đồ mặc hằng ngày đến cả váy dự tiệc, xường xám... nữa. Không những thế, mua đồ 'si' còn là cách để chúng mình “yêu thương” môi trường, tăng tuổi thọ sử dụng của quần áo và giảm thiểu rác thải may mặc đó”.

Tùng Chi xinh xắn trong chiếc áo đồ si và những chiếc túi DIY ấn tượng.

Là cựu chủ nhiệm của một CLB vì môi trường, Nguyễn Thị Thu Hằng (lớp 12, trường THPT Thạch Thất) cũng rất quan tâm đến những “lợi ích xanh” mà đồ 'si' đem lại: “Không chỉ là cứu tinh cho những khi cháy túi mà mua đồ 'si' còn là một hình thức tái chế lại quần áo. Đôi khi, mình cũng tự cắt xén để biến quần áo cũ thành những bộ đồ với kiểu dáng mới. Trước kia, mình chỉ quan tâm tới những mặt lợi của cá nhân mình khi mua đồ 'si', nhưng hiện tại, mình nhận ra việc sử dụng đồ 'si' cũng là đang góp phần bảo vệ môi trường. Thay vì chọn mặt hàng thời trang nhanh và thay đổi liên tục, với những bộ đồ 'si', mình có thể sử dụng để phối nhiều kiểu khác nhau”.

Hằng biến hóa nhiều phong cách với tủ đồ 'si' của mình.

Hằng cho biết, địa điểm mua đồ 'si' của mình không cố định nhưng hiện nay, đồ 'si' khá phổ biến và có thể tìm mua ở nhiều nơi như: Chợ Đông Tác, chợ Đặng Văn Ngữ, chợ đồ cũ Vạn Phúc - Hà Đông hoặc các cửa hàng 'secondhand' khác...

Cùng quan điểm với Chi và Hằng về lợi ích của việc sử dụng đồ 'si', Nguyễn Thu Trang (năm thứ nhất, trường ĐH Mở Hà Nội) từ lâu đã có cho mình cả một tủ đồ 'si' đủ loại, từ giày dép, quần áo đến mũ và phụ kiện thời trang. “Phong cách của mình là... không có phong cách nào cả. Thể loại quần áo nào mình cũng không ngại mặc và mình không muốn đóng khuôn trong một phong cách nào cả vì thời trang là không có giới hạn”, Trang tâm sự.

Thu Trang cá tính trong những set đồ 'si'.

Chia sẻ về cách phối đồ cho những bạn “nấm lùn” nhưng vẫn đam mê đồ 'si' như mình, Trang hào hứng: “Mọi người hãy thử tìm những món đồ có khả năng 'hack' dáng như: Quần cạp cao phối cùng áo kiểu, quần ống loe phối cùng croptop, blazer phối với quần ống rộng… Đừng quên áp dụng cả quy tắc ⅓ 'thần thánh', chỉ nên chọn quần áo sao cho phần trên luôn nhỏ hơn phần dưới nữa”.

Từng không quan tâm nhiều lắm đến đồ 'si' vì cho rằng kiểu đồ đã qua tay người khác thì sẽ không còn chất lượng nhưng giờ đây, Đỗ Đăng Dũng (năm thứ nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại rất hào hứng tìm mua những món đồ 'si' thú vị: “Có thể coi việc mình đến với đồ 'si' như một cơ duyên. Mình lần đầu sử dụng đồ 'si' là vào dịp chuẩn bị cho kỷ yếu lớp 12. 'Concept' chung của lớp là vintage và khi tìm kiếm trang phục về 'concept' này thì mình tìm thấy rất nhiều shop đồ si ưng ý. Từ đó mình cũng tìm hiểu và mua đồ 'si' nhiều hơn. Mình nhận ra, đồ 'si' tuy là đồ cũ, có nhiều may rủi nhưng giá thành lại rẻ, tạo nên những phong cách thời trang riêng biệt, phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên chưa có thu nhập cao”, Dũng bộc bạch.

Dũng thay đổi suy nghĩ về đồ si nhờ một cơ duyên thú vị.

Từ một genZ mê đồ 'si', Võ Hồng Mai (2000) đã nhận ra cơ hội kinh doanh từ chính những mặt hàng mình yêu thích và quyết định mở một shop bán đồ 'si' trên Instagram mang tên @tudosi.vn.

Hồng Mai tự tin trong những bộ đồ của @tudosi.vn.

Đối diện với những luồng ý kiến trái chiều về việc đồ 'si' là những món đồ rẻ, kém chất lượng, Mai chia sẻ: “Đa phần khi nghe đến đồ cũ thì quan điểm trong đầu mọi người là đồ hư, đồ xấu. Ngay cả chính mình trước kia cũng vậy. Nhưng đã sử dụng rồi thì sẽ có một cái nhìn rất khác. Nhiều khi còn săn được mẫu nguyên của các thương hiệu thời trang xa xỉ như Chanel, LV… với giá rất hời. Ngoài ra, với thời trang thì mình nghĩ việc sở hữu một món đồ độc nhất, không “đụng hàng” khiến mình trở nên tự tin hơn khi mặc. Và việc tái sử dụng lại đồ 'si' cũng giúp bảo vệ môi trường nữa”.

Vương Linh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/do-si-kho-bau-sang-tao-cua-genz-phong-cach-post1424800.tpo