Đọ sức chiến hạm Karakurt Nga và Sa'ar 5 Israel

Karakurt Dự án 22800 của Nga cùng với Sa'ar 5 do Israel thiết kế được xem như hai lớp tàu tên lửa cỡ nhỏ tốt nhất thế giới hiện nay.

Mang trong mình những thành tựu mới nhất của nền công nghiệp quốc phòng hai quốc gia, nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì lớp chiến hạm nào tỏ ra ưu việt hơn?

Tàu hộ vệ tên lửa INS Lahav lớp Sa'ar 5 của Hải quân Israel

Về kích cỡ: Sa'ar 5 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.065 tấn và lên tới 1.275 tấn khi đầy tải; chiều dài 88,64 m; chiều rộng 11,88 m; mớn nước 3,45 m; thủy thủ đoàn 74 người (10 nhân viên hàng không).

Trong khi đó Karakurt sở hữu chiều dài 65 m; chiều rộng 10 m; mớn nước 2 m; lượng giãn nước đầy tải 800 tấn.

Như vậy Sa'ar 5 lớn hơn Karakurt một khoảng đáng kể, vận tốc tối đa đạt được cũng cao hơn một chút là 33 hải lý/h so với 30 hải lý/h, tầm hoạt động là 3.500 hải lý so với 2.500 hải lý.

Về trang thiết bị điện tử: Sa'ar 5 được trang bị radar quét điện tử chủ động EL/M-2248 MF-STAR gồm 4 mảng ăng ten quay về 4 hướng có chức năng và kết cấu tương tự như hệ thống Aegis của Mỹ với tầm hoạt động tối đa 250 km.

Đi kèm theo đó là radar điều khiển hỏa lực EL/M-2221, sonar gắn liền thân Elta Type 796 cùng với sonar dạng kéo do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael sản xuất.

Cảm biến chính trên Karakurt cũng là một loại radar mảng pha quét chủ động với cách bố trí mang hơi hướng Aegis, nhưng nó lại chỉ có 2 mảng ăng ten bố trí phía trước chứ chưa có đủ cả 4 mảng quay về 4 góc để cho khả năng quan sát đủ 360 độ như EL/M-2248 MF STAR, đây rõ ràng là một thua thiệt lớn.

Radar điều khiển hỏa lực tên lửa đối hạm của Karakurt là Mineral-ME, đây là loại lắp đặt trên nhiều chiến hạm cỡ lớn, mạnh hơn hẳn EL/M-2221 lắp trên tàu Israel, tuy chiến hạm Nga lại không có hệ thống định vị thủy âm.

Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Uragan lớp Karakurt - Dự án 22800 của Hải quân Nga

Về vũ khí: Karakurt có bệ phóng đa năng UKSK mang 8 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Kalibr-NK bản nội địa có tầm bắn lên tới trên 600 km, tốc độ Mach 3, vượt trội hoàn toàn 8 tên lửa chống hạm cận âm RGM-84 Harpoon tầm bắn 124 km của Sa'ar 5.

Pháo hạm trên Karakurt là khẩu AK-176M cỡ 76,2 mm với tháp pháo tàng hình hóa, còn Sa'ar 5 đáng tiếc là không có pháo hạm đúng nghĩa mà chỉ có 1 module của hệ thống CIWS Phalanx ở phía trước tàu, đảm nhiệm luôn vai trò của 2 khẩu AK-630M trên Karakurt.

Tuy nhiên chiến hạm Israel lại ăn đứt tàu Nga ở hỏa lực phòng không khi mang được tới 16 tên lửa tầm trung Barak 8 có tầm bắn 70 km, đủ khả năng lập ô phòng không hạm đội. Còn Karakurt vẫn phải trông chờ vào tên lửa vác vai 9K38 Igla.

Một điểm vượt trội nữa của Sa'ar 5 là nó có khả năng chống ngầm, được tích hợp 6 ống phóng của ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm, đây là tính năng mà tàu Nga phải mơ ước. Ngoài ra chiến hạm Israel còn mang được 1 trực thăng hạng nhẹ trong các chuyến hải trình dài.

Xét về tổng thể, chiến hạm Israel giữ nhiều ưu điểm hơn khi có khả năng tác chiến chống tàu mặt nước, chống tàu ngầm lẫn phòng không rất toàn diện, đây là điều dễ hiểu vì kích thước lớn của nó hơn 1/3. Trong khi đó, lợi thế áp đảo của tàu Nga nằm ở hỏa lực diệt hạm tầm xa cực mạnh.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/do-suc-chien-ham-karakurt-nga-va-saar-5-israel-3344902/