Đọ súng dữ dội giữa Taliban và lính biên phòng Uzbekistan?

Cuộc đụng độ giữa nhóm buôn bán ma túy (mà bị giới quan sát nhận ra chính là các tay súng Taliban) với lính biên phòng Uzbekistan cho thấy nguy cơ rất lớn từ lực lượng Hồi giáo cực đoan này đối với khu vực Trung Á.

Sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban (hiện vẫn bị nhiều quốc gia xem là tổ chức khủng bố) kiểm soát lãnh thổ Afghanistan, đã có ghi nhận về cuộc đụng độ đầu tiên ở biên giới nước láng giềng.

Sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban (hiện vẫn bị nhiều quốc gia xem là tổ chức khủng bố) kiểm soát lãnh thổ Afghanistan, đã có ghi nhận về cuộc đụng độ đầu tiên ở biên giới nước láng giềng.

Cụ thể một nhóm các tay súng Taliban đã cố gắng vượt qua biên giới Uzbekistan nhưng đã bị lính biên phòng nước chủ nhà ngăn chặn, sau đó đã xảy ra trận đọ súng giữa hai bên, kết quả là một lính biên phòng Uzbekistan thiệt mạng.

Hãng thông tấn ANNA News cho hay: “Vào ngày 26/9, một nhóm buôn ma túy đã cố gắng vượt qua biên giới Afghanistan và Uzbekistan, tuy nhiên chúng đã bị chặn lại bởi lực lượng biên phòng Uzbekistan".

"Cuộc đọ súng dữ dội đã diễn ra giữa hai bên khiến 1 lính biên phòng Uzbekistan thiệt mạng, Tổng thống nước chủ nhà Shavkat Mirziyoyev đã thông báo trên đài truyền hình quốc gia”.

Theo ghi nhận từ thực địa, "nhóm buôn bán ma túy" trong đó phần lớn chính là thành viên của phong trào Hồi giáo Taliban.

Hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cáo buộc Taliban chủ yếu thu ngoại tệ qua hoạt động kinh doanh ma túy nhằm lấy tiền duy trì tổ chức, diễn biến trên cho thấy bước leo thang căng thẳng đầu tiên trong khu vực Trung Á.

Chưa dừng lại đây, tình hình biên giới Afghanistan - Tajikistan còn nguy hiểm hơn nhiều so với những gì vừa xảy ra tại Uzbekistan, khi Taliban đã điều động hàng nghìn binh sĩ cùng xe tăng, thiết giáp về đây.

Trong đội hình của Taliban bao gồm cả nhóm đặc nhiệm Badri 313 khét tiếng, họ tuyên bố rằng Tajikistan sẽ phải giá đắt vì can thiệp vào vấn đề nội bộ, cụ thể là Dushanbe đang hỗ trợ Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan (FANR) tại Thung lũng Panjshir.

Giới chuyên môn nhận định lực lượng Taliban trong thời gian tới sẽ thực hiện ngày càng nhiều cuộc tấn công vào biên giới các quốc gia láng giềng, điều này có thể sẽ dẫn đến sự can thiệp của Nga theo điều khoản của Tổ chức Hiệp ước phòng thủ tập thể CSTO.

Mới đây trong cuộc hội đàm giữa Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ - Nga, các tướng Mark Milli và Valery Gerasimov, vấn đề trao cho Không quân Mỹ quyền tấn công các phần tử khủng bố trên đất Afghanistan thông qua căn cứ quân sự của Nga đã được nêu ra.

Diễn biến nói trên cho thấy Moskva đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với kịch bản xấu nhất đó là Taliban khi không nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn.

Bên cạnh việc áp đặt chế độ cai trị hà khắc trong nước, rất có khả năng Taliban sẽ nhanh chóng bành trướng ra các quốc gia Trung Á thuộc không gian hậu Xô Viết bằng cách “xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố”.

Bất chấp việc đối phó với cả khối CSTO thì Taliban gần như không có cơ hội chiến thắng do cán cân chênh lệch quá lớn, nhưng có lẽ lực lượng này đang rất tự tin khi đã “đánh bại Mỹ” để giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Chính vì vậy, sự đề phòng của những nước láng giềng Trung Á nói riêng hay cộng đồng quốc tế nói chung trước nguy cơ từ các tay súng Taliban là điều rất dễ hiểu.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-do-sung-du-doi-giua-taliban-va-linh-bien-phong-uzbekistan-post481807.antd