Đọ tài kinh doanh của lãnh đạo VNPT và Viettel

Cả Viettel và VNPT đều né công bố báo cáo tài chính đầy đủ, nhưng theo một báo cáo mới đây, tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động của 2 'ông lớn' này khác xa nhau một trời một vực, qua đó phần nào nói lên tài kinh doanh của lãnh đạo hai bên.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là hai “ông lớn” của lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 “ông lớn” này đều không công khai thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách đầy đủ và đúng hạn như yêu cầu tại Nghị định 81 của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động của 2 doanh nghiệp này khác xa nhau, có thể nói một trời một vực.

Lợi nhuận Viettel gấp gần 7 lần VNPT

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, lợi nhuận trước thuế của Viettel là 42.184 tỷ đồng trong khi của VNPT chỉ vỏn vẹn 6.373 tỷ đồng (gần 7 lần).

Dù lọt danh sách doanh nghiệp có số nộp ngân sách cao, nhưng VNPT cũng chỉ đóng góp được 6.441 tỷ đồng trong khi con số đó ở Viettel là 24.080 tỷ đồng, gấp gần 4 lần. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu VNPT nộp lại 2.054 tỷ đồng lợi nhuận năm 2015 vào ngân sách.

Về thị phần, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, thị phần (thuê bao) cung cấp dịch vụ điện thoại di động 2G, 3G của Viettel là 43,48% trong khi nhà mạng Vinaphone (VNPT) chỉ chiếm 17,45%.

Dù có thị phần (thuê bao) cung cấp dịch vụ Internet băng rộng chiếm 51,27% toàn ngành, cao hơn so với Viettel (38,99%) vào năm 2015, nhưng hiệu quả kinh doanh của VNPT vẫn kém xa Viettel.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2015, các doanh nghiệp Nhà nước như VNPT, Viettel…đã kinh doanh tốt hơn, tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách…, nhưng kết quả kinh doanh ở VNPT chỉ đạt được như trên. Vậy trước đó, hiệu quả hoạt động của VNPT thế nào?

Hoạt động kinh doanh của VNPT có các chỉ số hiệu quả thấp hơn so với Viettel

Miếng bánh thị phần ở thị trường viễn thông Việt đang được chia lại. VNPT đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều doanh nghiệp khác, thị phần liên tục giảm từ năm 2008 đến nay. Nhiều người cho hay họ bỏ VNPT vì giá cước cao hơn mặt bằng chung lại không đi kèm với chất lượng dịch vụ tốt.

Nhìn về tương lai, trong khi Viettel đang đẩy mạnh chinh phục thị trường viễn thông quốc tế để tìm kiếm nguồn thu mới, VNPT vẫn đang trầy trật thoái vốn ngoài ngành.

Theo báo cáo của VNPT, một số doanh nghiệp đã triển khai đấu giá công khai song không thành công bởi không có người mua. Điển hình như thoái vốn tại Maritime Bank, hai lần công bố thông tin đấu giá nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm.

Số phận trái ngược của “kẻ ở, người đi”

Đáng nói, 2011-2015 là giai đoạn VNPT thực hiện đề án tái cơ cấu công ty mẹ - Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên, tách công ty Mobifone (nay là Tổng công ty Viễn thông Mobifone)…

Rời nách VNPT, Mobifone lọt danh sách doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất, lên tới 53%, cao hơn cả Viettel (40%). Lợi nhuận trước thuế của Mobifone ở giai đoạn này cũng cao hơn cả VNPT, ở mức 7.483 tỷ đồng.

Thị phần (thuê bao) cung cấp dịch vụ điện thoại di động 2G, 3G của Mobifone năm 2015 cũng cao gần gấp đôi VNPT, đạt 31,78% (VNPT 17,45%).

Trong khi đó, những doanh nghiệp “ở lại” VNPT lại thua lỗ lớn. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế của các doanh nghiệp trực thuộc VNPT lần lượt là: Công ty Cổ phần Vật liệu Bưu điện Việt Nam 53,28 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến VDC 26,86 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất thiết bị viễn thông - TELEQ 22,49 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật viễn thông 16,65 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Cáp quang FOCAL 13,15 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cáp quang Việt Nam 13,62 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển công trình viễn thông 8,18 tỷ đồng; Công ty CP Bất động sản Bưu chính Viễn thông 6,35 tỷ đồng; Công ty CP Vật liệu xây dựng Bưu điện Việt Nam 6,11 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Du lịch trực tuyến 4,52 tỷ đồng.

Thậm chí có nơi còn âm vốn chủ sở hữu như Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (43,14 tỷ đồng) hoặc trích lập dự phòng chưa đủ điều kiện như TCT Hạ tầng mạng và VNPT Hà Nội (34,26 tỷ đồng).

Một số đơn vị chưa được góp đủ vốn điều lệ như TCT Dịch vụ Viễn thông - VNPT Vinaphone thiếu 2.473 tỷ đồng; TCT Truyền thông thiếu 1.594 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông thiếu 187,5 tỷ đồng.

Mỹ Nữ

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/do-tai-kinh-doanh-cua-lanh-dao-vnpt-va-viettel-212488.html