Độ tin cậy của nhận diện bằng mống mắt so với vân tay

Nhận diện mống mắt có độ chính xác cao hơn nhiều so với vân tay. Hiện tại, một số nước như Mỹ, Singapore, Indonesia, Ấn Độ đang ứng dụng công nghệ này.

Mới đây, Luật Căn cước của Việt Nam đã bổ sung quy định thu thập mống mắt vào dữ liệu căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Trên thế giới, nhiều nước áp dụng công nghệ đặc biệt chính xác trên.

Các nước sử dụng nhận diện mống mắt

Hai trong số những cách phổ biến nhất để nhận dạng một người là dùng mống mắt và vân tay. Cả hai phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Mống mắt là vòng màu của các mô quanh đồng tử, ngay phía sau giác mạc. Còn dấu vân tay được tạo thành từ nhiều đường vân và rãnh khác nhau. Mống mắt và dấu vân tay của mỗi người là duy nhất.

Hơn 1,5 tỷ người trên thế giới đã có mẫu mống mắt được mã hóa. Ảnh: Policechief

Ánh sáng hồng ngoại được sử dụng để chụp ảnh mắt rồi tải lên hệ thống nhận dạng mống mắt. Melanin (một chất trong cơ thể tạo ra sắc tố tóc, mắt và da) mống mắt trong suốt dưới ánh sáng hồng ngoại. Điều này cho phép tiết lộ chi tiết mống mắt bất kể màu sắc. Thuật toán nhận dạng ghi nhận đường viền cùng 256 đặc điểm riêng của mống mắt.

Theo Đại học Cambridge (Anh), ít nhất 1,5 tỷ người trên toàn thế giới có mẫu mống mắt được mã hóa. Chính phủ Singapore đã triển khai công nghệ nhận dạng mống mắt cho thẻ căn cước, hộ chiếu, kiểm soát nhập cư. Bộ Quốc phòng Mỹ đăng ký mẫu mống mắt của 10 triệu quân nhân vào chương trình thẻ nhận dạng điện tử quân sự. Một số quốc gia Trung Đông sử dụng các thuật toán mã hóa mống mắt cho mục đích cấp thị thực. Ấn Độ, Indonesia, Mexico cũng áp dụng cách nhận diện tương tự.

Ưu điểm

Nhận dạng mống mắt là một trong những phương pháp nhận dạng chính xác nhất hiện có. Hình thức này rất thuận tiện trong cả ứng dụng thông thường. Bạn có thể sử dụng máy quét mống mắt để mở khóa cửa mà không cần chìa khóa hoặc mật mã. Nhận dạng mống mắt an toàn vì mẫu mống mắt của bạn là duy nhất, khó có thể sao chép.

Nhận dạng vân tay có các ưu điểm tương tự hình thức sử dụng mống mắt khi dấu vân tay là duy nhất và rất khó để sao chép. Ngoài ra, nhận dạng vân tay cũng có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày như máy quét vân tay để mở khóa cửa mà không cần chìa khóa hoặc mật mã.

Tuy nhiên, phân tích dấu vân tay sử dụng 12-14 điểm chính. Quét mống mắt ánh xạ 256 điểm chính nên sẽ chính xác hơn nhiều. Ngoài ra, dấu vân tay có xu hướng mờ mòn theo tuổi tác. Mống mắt không dễ bị thay đổi nhờ vị trí phía sau giác mạc.

Hạn chế

Có một số hạn chế khi sử dụng nhận dạng mống mắt. Hình thức này yêu cầu tầm nhìn rõ ràng giữa mắt bạn và máy quét để hoạt động bình thường. Ngoài ra, đã có trường hợp kẻ xấu sử dụng kính áp tròng có in hoa văn, mắt giả để đánh lừa máy quét. Trong phim Minority Report, tài tử Tom Cruise sử dụng kính áp tròng để tái tạo mống mắt của người khác. Tuy nhiên, việc sao chép mống mắt của một cá nhân như vậy cực kỳ khó khăn.

Trong khi đó, việc nhận dạng vân tay có thể khó khăn với người có vân tay mờ. Ngoài ra, cần sự tiếp xúc giữa vân tay và thiết bị. Đã có trường hợp kẻ xấu dùng ngón tay giả, vân tay giả để đánh lừa máy quét.

Phương pháp nào tốt hơn?

Theo HF Security, sự khác biệt chính của hai hình thức nhận diện trên là tính chính xác và tiện lợi. Nhận dạng mống mắt chính xác hơn dấu vân tay và không cần sự tiếp xúc trực tiếp, thuận lợi cho người có vân tay mờ nhưng lại đòi hỏi khoảng cách nhất định giữa mắt bạn và máy quét. Quyết định sử dụng phương pháp nào phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi đơn vị, cá nhân. Nếu coi trọng độ chính xác hơn tất cả thì nhận dạng mống mắt là lựa chọn phù hợp.

Bà George Ann Phillips, đại diện của Hệ thống Y tế Đại học (Mỹ), đánh giá: “Nhận diện mống mắt chính xác hơn quét vân tay, nhận dạng tĩnh mạch. Đó cũng là một quy trình sạch sẽ vì mọi người sẽ không bao giờ phải chạm vào bất cứ thứ gì, đây là một vấn đề lớn trong chăm sóc sức khỏe vì kiểm soát nhiễm trùng”.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/do-tin-cay-cua-nhan-dien-mong-mat-so-voi-van-tay-nuoc-nao-dang-ap-dung-2220638.html