Dọa giết ông Đoàn Ngọc Hải có thể phạm tội gì?

Đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân có thể bị xử phạt tù đến 7 năm.

Ông Đoàn Ngọc Hải (trái) trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Ảnh T.S

Thời gian qua, TPHCM đã đẩy mạnh chống lại tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, nhưng nhiều quận huyện đã xuất hiện tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, làm cho có phong trào. Trong bối cảnh đó, gần như chỉ còn ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1, TPHCM nỗ lực thực hiện chiến dịch lập lại trật tự công cộng.

Ông Hải đã công khai số điện thoại để người dân phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, nhưng ngoài những lời khen ngợi, động viên, thì ông thường xuyên nhận những cuộc gọi từ 2 số điện thoại là 00172.0247.2813 và 0931.699.301 dọa giết ông và cả nhà vào đêm khuya. Ngoài ra, ông còn nhận 6 tin nhắn dọa “xử”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Phi Đại, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Điều 103 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội đe dọa giết người như sau:

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Đối với nhiều người; b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; c) Đối với trẻ em; d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Ông Đoàn Ngoc Hải là công chức đang thi hành công vụ, do đó người nhắn tin dọa giết ông Hải và cả gia đình ông có dấu hiệu phạm tội theo điểm a, b khoản 2 Điều 103 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt lên tới 7 năm tù.

Tội phạm này xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Lỗi của người đe dọa ở đây là lỗi cố ý. Người đe dọa nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra sự lo sợ cho người khác, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

Tuy nhiên, luật sư Đại cũng bổ sung: Một dấu hiệu đặc trưng của tội này là hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Tội phạm chỉ cấu thành khi hành vi đe dọa đó đã làm cho người bị đe dọa lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/doa-giet-ong-doan-ngoc-hai-co-the-pham-toi-gi-563223.ldo