Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý các dự thảo luật

Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì thảo luận tổ số 8 cùng với các đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, Bình Định.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Góp ý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong dự thảo luật chưa giải thích được từ ngữ về bảo vệ tài nguyên nước; các hoạt động quản lý và bảo vệ chưa có quy định về khái niệm; chỉ đưa quy định về khai thác; nội hàm quản lý và bảo vệ chưa có. Tại Điều 4 của dự thảo luật, về nguyên tắc, quy định về bảo vệ tài nguyên nước là quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm bảo vệ là cái gì, thực hiện như thế nào.

Theo Bí thư Thành ủy, trong khái niệm an ninh nguồn nước theo khoản 22, Điều 3 chỉ nói việc bảo đảm số lượng và chất nguồn nước. Tuy nhiên, an ninh nguồn nước quan trọng nhất là phải bảo vệ được tài nguyên nước. “Khi chúng ta bảo vệ được tài nguyên nước thì mới bảo đảm được chất lượng và số lượng nước”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh. Về chính sách Nhà nước đối với tài nguyên nước, theo đại biểu, không chỉ có hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân thực hiện các hoạt động về điều tra cơ bản mà cần có những chính sách khuyến khích bảo vệ tài nguyên nước.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đề nghị trong quản lý nguồn nước cần có sự quy định, điều tiết, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các đơn vị, giữa vùng thượng nguồn và hạ lưu. Đại biểu đơn cử, các tỉnh, thành phố vùng hạ lưu phụ thuộc rất lớn bởi các thủy điện. Qua đó, bị tác động lớn, mùa mưa lũ thì xả nhiều, gây lũ; mùa hè xả ít, gây xâm nhập mặt. Vì vậy, trong luật cần có quy định rõ, phân định được quyền và lợi ích giữa các bên, bảo đảm sự hài hòa.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, đề nghị tại điều Điều 44, cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát để bổ sung quy định đối với các trường hợp xây dựng các công trình ngăn sông, suối (dạng đập tạm bằng bao cát để ngăn mặn trong mùa khô) nhằm tránh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tại khoản 2, Điều 77 về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước của UBND cấp huyện, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc bảo vệ các nguồn cấp nước sinh hoạt; quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và trách nhiệm bảo đảm không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

Sáng cùng ngày, góp ý về sử dụng nhà chung cư trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung theo quy định mới về thời hạn sử dụng nhà chung cư, đây cũng là tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện, kích cầu nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên, dự thảo cần tính toán, đánh giá tác động tâm lý của các đối tượng, nhất là về thời gian, vì vậy cần phải đánh giá việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản của người dân.

N.PHÚ - VŨ HƯNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202306/doan-dai-bieu-quoc-hoi-thanh-pho-gop-y-cac-du-thao-luat-3946123/