ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 5

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, sáng 27/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, tập trung nghe ý kiến góp ý về 5 dự thảo Luật dự kiến trình Quốc hội gồm: Luật Căn cước công dân (Sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ.

Dự hội nghị có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng; Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Phạm Văn Lương…

Tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến cho ý kiến 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Đây là những dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lợi của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Do vậy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn của người dân khi sử dụng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip để thực hiện các thủ tục hành chính. Các vấn đề liên quan đến yêu cầu giấy xác nhận cư trú hoặc sổ hộ khẩu; Việc thực tiện tích hợp các thông tin vào CCCD và lộ trình thực hiện; Giải pháp của ngành Công an để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại diện phòng PV05, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh gồm có: Lực lượng Công an xã bán chuyên trách; Bảo vệ dân phố; Dân phòng, phòng cháy; ngoài ra còn có lực lượng Dân phòng tự quản khu dân cư được bố trí tại các thôn, khu phố thuộc xã, thị trấn (được thành lập dựa trên quy định tại Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách). Qua rà soát, đánh giá thực trạng cho thấy lực lượng bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tư tại địa bàn cơ sở có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với công tác đảm bảo An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hỗ trợ lực lượng công an các cấp thẩm tra, xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ án hình sự, nhiều vụ việc có yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tư; Theo dõi, quản lý biến động của các loại hình đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy; Phối hợp với các lực lượng khác tiến hành cảm hóa, giáo dục đối tượng có tiền án, tiền sự, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương…Do đó, rất cần thiết xây dựng, ban hành Luật. Đây là cơ sở quan trong để xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Đối với Dự thảo Luật Căn cước công dân (Sửa đổi), một số ý kiến đại diện Phòng PC06, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết việc sửa đổi Luật Căn cước công dân 2014 được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Đặc biệt là thay đổi một số thông tin trên mặt thẻ. Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung một số quy định mới như thông tin nơi thường trú, quê quán sẽ được thay bằng nơi cư trú và nơi đăng ký khai sinh, và trên thẻ Căn cước công dân không thể hiện vân tay của công dân. Theo điều chỉnh này, công dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể đăng ký cấp thẻ CCCD. Nếu như trước đây, công dân bắt buộc phải có nơi thường trú thì mới đủ điều kiện cấp thẻ, thì nay dù ở bất cứ hoàn cảnh, điều kiện cư trú khác nhau, đều có thể đáp ứng điều kiện về nơi cư trú để được cấp thẻ. Từ đó đảm bảo thực hiện quyền lợi của công dân trong giao dịch cũng như cấp đổi, cấp lại CCCD.

Cử tri đóng góp ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Mặc dù vây, việc xác định, phân biệt thông tin về “nguyên quán” hay “quê quán” trong thực tiễn thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) thay thế thông tin “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh” là phù hợp với thông lệ quốc tế về ghi nhận dữ liệu CCCD của cá nhân. Tuy nhiên, qua việc cấp CCCD, nhiều ý kiến người dân vẫn muốn giữ trường thông tin về “quê quán”, vì cho rằng đây là nội dung mang tính đặc thù, truyền thống, gần gũi với người dân. Bên cạnh đó, việc không thể hiện sinh trắc (Vân tay) trên thẻ CCCD nhằm bảo mật thông tin cá nhân, tránh tình trạng làm giả trẻ CCCD. Thực tế trong chip thẻ CCCD đã có đầy đủ dữ liệu sinh trắc, nên các ý kiến đồng thuận việc in, vân tay trên thẻ này là không cần thiết.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp đầy đủ, đưa ra thảo luận tại Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây./.

Thanh Nga

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=75347