Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ về một số dự án luật

– Chiều 27/5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia thảo luận tại Tổ thảo luận số 13 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.

Đoàn ĐBQH tỉnh dự họp thảo luận tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh dự họp thảo luận tổ

Các ĐBQH trong tổ đã thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về cơ bản, các ĐBQH nhất trí với các dự thảo luật này.

Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu Phạm Trọng Nghĩa và đại biểu Lưu Bá Mạc nêu ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật. Trong đó, đối với Dự thảo Luật Công an Nhân dân, các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với các trường hợp tăng ngay hai tuổi nhằm tạo sự đồng bộ với lộ trình tăng tuổi đối với các đối tượng khác được quy định trong dự thảo luật; bổ sung thêm thông tin về sự cần thiết của việc phong hàm thiếu tướng đối với các chức danh cấp phó, như: Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương; phó cục trưởng, phó tư lệnh và tương đương;… của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; bổ sung dự thảo nghị định thi hành luật, thời hạn thi hành luật…

Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã tiếp xúc cử tri tại Công an tỉnh và trực tuyến đến công an các huyện, thành phố trong tỉnh, tại cuộc tiếp xúc cử tri có 15 lượt ý kiến, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu và góp ý vào 2 dự thảo luật. Tại họp tổ, các đại biểu góp ý thêm một số nội dung như: bổ sung thêm nơi sinh vào hộ chiếu để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn; đầu tư trang thiết bị phục vụ theo dõi đăng ký, khai báo lưu trú người nước ngoài tại công an cơ sở; cần phân quyền cho địa phương trong tra cứu thông tin người nước ngoài, xử lý người nước ngoài vi phạm tại địa phương, giải quyết các thủ tục hành chính cho người nước ngoài; bổ sung quy định liên quan đến việc quản lý cơ sở dữ liệu về thông tin lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc sử dụng cụm từ “chứng minh nhân dân” tại điểm c, khoản 4 dự thảo Luật, bởi vì chứng minh nhân dân đã và đang được thay thế bởi căn cước. Đồng thời, Tại khoản 2 Điều 46, dự thảo Luật Căn cước công dân có điều kiện chuyển tiếp, chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Vì vậy cần phải bổ sung điều kiện đối với cụm từ chứng minh thư nhân dân; gửi hộ chiếu đã được cấp cho công dân theo đường bưu điện; cân đối tăng thời gian lưu trú của người nước ngoài; mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Theo chương trình, ngày 29/5, Quốc hội nghe Báo cáo, thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

THANH HUYỀN - ANH TUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/585252-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-o-to-ve-mot-so-du-an-luat.html