Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Chiều 17/5, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Di sản văn hóa (Sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn tỉnh Yên Bái để trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

ự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Công chứng (sửa đổi), Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Góp ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật, các đại biểu nhất trí cao rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết bởi luật hiện hành sau hơn 20 năm đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cả về nội dung và hình thức đòi hỏi cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để bắt kịp với sự chuyển biến của xã hội. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật còn tạo điều kiện thuận lợi trong phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, một số nội dung, khái niệm, ngôn ngữ diễn đạt chưa rõ ràng và phù hợp, đề nghị cần bổ sung, làm rõ như: tại khoản 1, Điều 1: "Di sản văn hóa .... là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và khoản 2 Điều 1 quy định: "Luật này quy định đối với di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đề nghị nghiên cứu sửa cụm từ "của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thành "trên lãnh thổ Việt Nam".

Đối với Khoản 1 Điều 2 ghi: "Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân người Việt Nam định cư ở Việt Nam", đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cụm từ "cá nhân người Việt Nam” thành "công dân Việt Nam”, theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008…

Đại biểu Hoàng Tiến Long - Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Đại biểu Hoàng Tiến Long - Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có thể nhập 2 loại hình "lễ hội truyền thống” và "tập quán xã hội và tín ngưỡng” với tên gọi "tập quán xã hội tín ngưỡng và lễ hội truyền thống”; xem xét sửa đổi bổ sung một số cụm từ tại Khoản 2, Điều 10 để đảm bảo rõ ràng trong việc chỉ đạo thực hiện; tại khoản 1, Điều 10 cần nghiên cứu bổ sung cụm từ "Hoạt động kiểm kê và điều chỉnh di sản văn hóa phị vật thể được tiến hành, thường xuyên liên tục hàng năm” bỏ cụm từ "hàng năm”; tại khoản 1, Điều 11 đề nghị chỉnh sửa cụm từ "Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể” thành "danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể để hạn chế tranh chấp phát sinh. Đồng thời, bổ sung để quy định chặt chẽ, rõ nghĩa một số cụm từ tại Khoản 3, Điều 17; đề nghị bổ sung Khoản 6, Điều 17 về một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, theo tỉ lệ bao nhiêu phần trăm để xác định việc suy giảm nghệ nhân, người thực hiện và kế cận.

Với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét Khoản 5, Điều 25 về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi mốc giới các khu vực bảo vệ di tích; kiến nghị bổ sung thêm nội dung "Xây dựng công trình dân sinh kinh tế, xã hội đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của di tích” tại quy định tại Điều 26 về bảo vệ khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II…

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại biểu cũng tham gia góp ý vào nội dung bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; bảo tàng; điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý nhà nước về di sản văn hóa; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận ghi nhận và đánh giá cao 27 ý kiến tham gia, góp ý của các đại biểu. Các nội dung tham gia vào Dự án Luật Di sản văn hóa (Sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ được Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh nghiên cứu, tổng hợp và trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, trong 2 ngày 15 và 16/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Công chứng (sửa đổi).

Minh Huyền - Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/322834/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-yen-bai-lay-y-kien-tham-gia-vao-du-an-luat-di-san-van-hoa-sua-doi.aspx