Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan TP trước Kỳ họp thứ 8

Sáng 18/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cùng dự có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn ĐB Quốc hội TP về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP 9 tháng đầu năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, kinh tế vĩ mô TP tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, GRDP tăng 7,35% (cùng kỳ tăng 7,01%); xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao (20,4%); thu ngân sách được bảo đảm (186.589 tỷ đồng, đạt 70,9% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ). Môi trường đầu tư kinh doanh TP tiếp tục được cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 9/63, hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ sớm 2 năm. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, đạt 6,23 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. Doanh nghiệp đăng ký mới tăng 9% về số lượng, tăng 28% về vốn đăng ký...

Liên quan đến Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra ngày 2/10, Chính phủ đã họp và thông qua Dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của TP Hà Nội”. Thời gian tới, TP tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua nghị quyết trên; phối hợp với các bộ, ngành T.Ư rà soát, hoàn thiện Dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội”.

UBND TP cũng nêu rõ về tình hình tổng kết 3 năm lần 2 về thi hành Luật Thủ đô với 4 nhóm kiến nghị, đề xuất. Trong đó, TP kiến nghị Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Ngoài ra, UBND TP cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị đối với các vấn đề lớn của Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Thông tin với Đoàn về những kiến nghị của cử tri với Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết: Qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô, cử tri và Nhân dân Hà Nội đề nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng thẩm tra, nhất các dự án luật; đẩy mạnh chất vấn và giám sát việc thực hiện sau chất vấn đối với các đồng chí lãnh đạo, ngành, chính phủ. Tiếp tục giám sát công tác giải ngân, nợ đọng thuế, giám sát đối với lĩnh vực xây dựng quy hoạch đô thị, dự án treo nhiều năm không thực hiện.

Về cơ chế chính sách, cử tri phản ánh Quyết định số 142/2008 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với người có công chưa hợp lý, chưa công bằng khi lấy mốc cố định về thời gian trong quân ngũ là 15 năm làm tiêu chí để phân loại hưởng trợ cấp. Đề nghị Chính phủ cần có các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc điều chỉnh giá hỗ trợ, đền bù đất nông nghiệp cho phù hợp thị trường vì giá đền bù hiện nay quá thấp. Đề nghị đẩy nhanh việc thực hiện đề án chinh quy công an xã.

Đối với vấn đề kinh tế - xã hội, cử tri đề nghị Quốc hội, TP Hà Nội kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Công viên Kim Quy; dự án Trung tâm triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh vì động thổ từ năm 2018 đến nay chưa triển khai. Đề nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với dự án Cát Linh – Hà Đông; di dời cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất, các nhà máy ô nhiễm môi trường hiện đang nằm trong khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 100% các quận, huyện, thị xã.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng thông tin với Đoàn về kết quả của ngành và kiến nghị về việc rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, lãnh đạo Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, Tòa án Nhân dân hai cấp TP đã thụ lý 31.083 vụ án, giải quyết 24.299 vụ, đạt tỷ lệ 78,17%. So với cùng kỳ 2018, số vụ thụ lý tăng 9,81%, số vụ giải quyết tăng 15,64%. Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đề nghị Đoàn ĐB Quốc hội TP kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Toàn án Nhân dân tối cao khi phân bổ biên chế cần tính toàn đến yếu tố đặc thù của Thủ đô Hà Nội để phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp. Kiến nghị Quốc hội tiến hành rà soát, sửa đổi một số quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn như: Quy định thay đổi thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân cấp huyện từ Toàn án Nhân dân cấp tỉnh sang Tòa án Nhân dân cấp cao theo quy định.

Về công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2019, đã phê chuẩn quyết định khởi tố 9.972 bị can. Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ, Viện Kiểm sát nhân dân TP đề nghị Đoàn ĐB Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu công tác giao cho các cơ quan tư pháp theo hướng phù hợp với chế độ đãi ngộ, phương tiện trang bị còn thấp. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội xem xét việc tinh giản biên chế cần có những giải pháp linh động với từng ngành, địa bàn….

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.

Trao đổi với lãnh đạo TP, các ĐB Quốc hội đề nghị Hà Nội xem xét cụ thể hơn nữa về những vấn đề như: Trồng thêm cây xanh; xử lý các nhà máy gây ô nhiễm môi trường còn nằm trong khu dân cư; có giải pháp làm giảm bớt vấn đề gây bụi bẩn BM 2.5; nước ô nhiễm nhưng vẫn cung cấp cho người dân; giảm ùn tắc giao thông; xây dựng quá nhiều nhà cao tầng…

Trước vấn đề các ĐB Quốc hội đưa ra, liên quan đến vấn đề nhà cao tầng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong những năm qua, TP đang thực hiện đúng hoạch được Thủ tướng phê duyệt về vấn đề phát triển đô thị của Hà Nội. Theo đó, tại các khu đô thị, tòa nhà riêng lẻ mật độ, chiều cao đều được thực hiện nghiêm. Đối với các nước trên thế giới thì phát triển đô thị và nhà cao tầng là xu hướng. Còn trong vấn đề vi phạm của các đầu tư đã được TP xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, quá trình xử lý chưa được đầy đủ và hết theo kỳ vọng của người dân và quy định pháp luật.

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong báo cáo có nêu 11 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, TP mong muốn sự cần sự vào cuộc của cả chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự ban hành luật kịp thời, sát và hiệu quả. Đồng thời, cần có sự vào cuộc, điều hành của Chính phủ trong giải quyết vấn đề.

Về phía TP Hà Nội, trong những năm qua, TP thực hiện quyết liệt trong vấn đề xử lý vấn đề gây ô nhiễm. Theo đó, TP thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong nhiều năm; cơ giới hóa việc quyét và hút rác cùng một lúc. Trong quá trình thực hiện, TP Hà Nội cần có sự vào cuộc mọi người dân trong ý thức vứt, đổ rác thải. Theo Chủ tịch UBND TP, có hai nguồn ô nhiễm lớn nhất hiện nay là từ khói thải của xe ô tô quá hạn và từ việc phá dỡ các tòa nhà. Để xử lý được triệt để vấn đề này cần có thời gian.

Trong vấn đề ô nhiễm nguồn nước, Chủ tịch UBND TP cho biết, Công ty nước sông Đà hiện chiếm 18% lượng nước cung cấp cho TP. Ngay khi phát hiện, TP chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc để xử lý. Hiện, TP đang cố gắng khắc phục sự cố với tiến độ nhanh nhất. Dự kiến, nhanh nhất hết ngày 20/10, khi người dân xúc rửa xong thì các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra liên tục cho đến khi đảm bảo an toàn thì mới để người dân sử dụng lại.

Đối với vấn đề xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP bày tỏ mong muốn Chính phủ có cơ chế giải ngân vốn ODA theo đúng kế hoạch thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ đề ra. Ngoài ra, cho Hà Nội có cơ chế đặc thù trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; chính sách thu hồi xe quá hạn sử dụng….

Kết luận cuộc làm việc, với cương vị Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, đoàn sẽ tiếp thu các kiến nghị của TP và truyền tải tới diễn đàn Quốc hội. Đồng thời, Bí thư Thành ủy đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng năm 2019 của TP. Nhất là tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ, du lịch, quản lý và phát triển đô thị, phát triển nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo...

Đối với vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến vụ cháy Rạng Đông, ô nhiễm không khí, nguồn nước, Bí thư Thành ủy cho biết, năm 2017, TP đã ban hành Đề án về ứng phó với các thảm họa, sự cố có thể xảy ra với TP. Đây là dịp để TP rà soát lại các phương án để củng cố, nâng cao chất lượng công tác quản lý. Đặc biệt, qua các sự việc xảy ra TP cần rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; xử lý thông tin, cung cấp thông tin cho người dân.

Theo Bí thư Thành ủy, để quản lý một TP có số lượng người dân đông như Hà Nội hiện nay đòi hỏi thường xuyên nâng cao trách nhiệm, rút kinh nghiệm và điều chỉnh các quy định, quy hoạch. Đồng thời, hiện nay có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ cho TP nên mọi hoạt động đó đều phải có những quy định để quản lý.

Về vấn đề chính quyền đô thị, Bí thư Thành ủy cho biết, đây là nội dung kỳ họp này Quốc hội sẽ trao đổi, thảo luận và đưa nghị quyết về vấn đề này. Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, đại biểu Quốc hội quan tâm, nghiên cứu, tham gia đóng góp và trình bày để các đoàn đại biểu Quốc hội khác hiểu về mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội muốn hướng tới là mô hình như nào, có ưu điểm và nhược điểm gì để từ đó có ý kiến tham gia hiệu quả.

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tp-ha-noi-lam-viec-voi-cac-co-quan-tp-truoc-ky-hop-thu-8-355311.html