Đoàn đại biểu TPHCM kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Nga và Israel

Đêm 25-5, đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM dẫn đầu sang thăm, làm việc tại Nga và Israel đã về đến TPHCM.

Chiều 26-5, trao đổi với nhóm phóng viên tháp tùng chuyến đi, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá chuyến công tác đã thành công tốt đẹp.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đến đầu tháng 7, TP sẽ tổ chức, đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Chính vì vậy, chuyến đi lần này cũng góp phần để chúng ta có thêm thông tin phục vụ cho sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của TP. Trở lại nước Nga lần này, đoàn công tác TPHCM có trách nhiệm do Bộ Chính trị giao, đó là cùng với lãnh đạo chính quyền TP Saint Petersburg tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến nước Nga, lúc đó TP Saint Petersburg tên là TP Petrograd.

Việc cùng bạn tổ chức kỷ niệm 95 Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến nước Nga cũng có ý nghĩa quan trọng để hai nước khẳng định lại sự gắn bó trong quá khứ, giúp đỡ lẫn nhau; khẳng định vai trò, công lao to lớn của Cách mạng Tháng Mười, sự giúp đỡ của Liên bang Xô Viết trước kia, Liên bang Nga ngày nay đối với sự phát triển của nước ta trong các giai đoạn, và cũng từ đó khẳng định quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước là tài sản vô giá trong quá khứ và ngay bây giờ chúng ta phải tìm cách phát huy tốt hơn trong điều kiện hiện tại.

Với tinh thần đó, đoàn đã thăm và làm việc với một số cơ sở của nước bạn, như trường ĐH Tổng hợp Saint Petersburg - một trong 2 trường ĐH lớn nhất nước Nga; thăm và làm việc với Viện Hồ Chí Minh tại trường đại học này; thăm Trung tâm y tế điều trị ung thư bằng công nghệ cao. Đoàn cũng đã cùng chính quyền TP Saint Petersburg tổ chức hội thảo kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến nước Nga và hội thảo kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Bác, gắn với đó là các bài báo cáo chuyên đề, chỉ ra khả năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - giáo dục - văn hóa giữa 2 TP. Đoàn cũng có cuộc làm việc sâu sắc với Thống đốc TP Saint Petersburg.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rõ hơn nhu cầu về trao đổi thông tin hai bên để vừa khuyến khích du lịch, khuyến khích đào tạo và đặc biệt là hợp tác xuất khẩu hàng hóa giữa hai bên rất lớn. Bước đầu, đoàn đã thảo luận với bạn sẽ lập tổ công tác nghiên cứu thành lập trung tâm hỗ trợ hợp tác giáo dục - văn hóa - kinh tế TPHCM ở Saint Petersburg và bạn cũng muốn có một trung tâm như vậy tại TPHCM.

Qua các cuộc thăm và làm việc, chúng ta thấy rằng TPHCM và TP Saint Petersburg có rất nhiều nét tương đồng, là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ của hai nước, gắn bó về chính trị, lịch sử, văn hóa, sắp tới cần tăng cường hơn nữa về đào tạo, về du lịch, về kinh tế giữa hai nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các thành viên đoàn đại biểu TPHCM làm việc với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các thành viên đoàn đại biểu TPHCM làm việc với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel

Đến Israel, đoàn có mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm, mô hình hoạt động của bạn, vì sao một đất nước 3/4 là sa mạc, 1/4 là đồi núi, với diện tích khoảng hơn 22km², dân số chỉ 8,6 triệu người, nhưng hiện nay là một quốc gia khởi nghiệp sáng tạo thành công nhất, xét theo tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công trên dân số. Từ đó, chúng ta hiểu và vận dụng cho TPHCM, cũng như tìm khả năng hợp tác với các đối tác của bạn. Đến Israel, đoàn đã thăm Cơ quan quốc gia phát triển sáng tạo Israel trong Bộ Kinh tế Israel, hoạt động như một tổng cục, với 6 đơn vị trực thuộc.

Cách đây hơn 40 năm, mỗi bộ của Israel đều có một cơ quan như vậy; trong một bộ còn có một chuyên gia trưởng về khoa học, chịu trách nhiệm cho mỗi bộ đó phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ. Để giúp khởi nghiệp sáng tạo thành công, cũng như nâng cấp về công nghệ đối với các doanh nghiệp hiện có, cần có cách làm chuyên sâu như vậy. Chúng ta cũng được cho biết cách họ ứng xử với nhà sáng tạo. “Thất bại là mẹ thành công”, chính quyền Israel hiểu rõ rằng trong cuộc đời của mỗi người có lúc làm việc không thành công, thậm chí thất bại, đó chính là giai đoạn quá độ tiến tới thành công. Vì vậy, họ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay vốn, nếu thất bại thì không phải trả tiền, còn nếu thành công thì hàng năm dành 3% - 5% lợi nhuận trả lại nhà nước để bù cho người khác. Như vậy, chính cái văn hóa không sợ thất bại đó, đồng thời với triển vọng được hỗ trợ, đã tạo nên bầu không khí mạnh dạn đổi mới sáng tạo.

Bài học thứ hai là văn hóa phản biện, tranh luận để phát triển. Trong cuộc sống của người Israel không hài lòng với giải pháp có sẵn, không chấp nhận chỉ có một ý kiến đúng. Ngay từ lúc còn ở nhà trường, học sinh đã được đặt câu hỏi với thầy cô, vì sao như vậy? Vì sao phải làm như vậy? Văn hóa phản biện sẽ tìm được cách hay hơn, đúng hơn.

Bài học thứ ba là bồi dưỡng và phát hiện nhân tài. Ví dụ, học sinh sau khi học xong cấp 3 đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng họ tạo ra môi trường sáng tạo ngay khi các em đang thi hành nghĩa vụ quân sự, để vẫn có thể sáng tạo và cống hiến sự sáng tạo đó. Thứ tư, là ý thức toàn cầu. Israel có 8,6 triệu dân, từ nhiều nước quy tụ về. Họ luôn hướng đến việc tìm nhân tài trên toàn cầu và thị trường toàn cầu.

Ngoài học hỏi nước bạn, đoàn công tác còn đạt được kết quả về khả năng hợp tác. Như với Trường ĐH Heblew, đây là trường đại học lớn nhất Israel, có kinh nghiệm đào tạo và có thế mạnh ở nhiều ngành, đặc biệt là y tế cộng đồng. Đoàn cũng có các buổi gặp gỡ 8 nhà khoa học tiêu biểu và buổi gặp 7 doanh nghiệp thành đạt về khởi nghiệp sáng tạo của Israel, qua đó hiểu sâu hơn thành tựu của bạn và có những người cụ thể sẵn sàng sang Việt Nam nói chuyện chuyên đề, giúp chúng ta hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hoặc tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các chuyên gia của Bộ Kinh tế - Công nghiệp Israel sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đánh giá các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.

Đoàn cũng có một buổi nghe báo cáo chuyên đề về đô thị thông minh, trong đó nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác, chuyển giao giải pháp, đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh mạng, giao thông, giáo dục, hệ thống kết nối từng người dân với chính quyền. Sắp tới, khi TP kêu gọi đấu thầu từng cấu phần của đô thị thông minh thì sẽ mời bạn tham gia.

“Trên đường ra sân bay, tôi thấy những tòa nhà của những công ty nổi tiếng thế giới đã đến đây. Vì sao họ đến với một đất nước mà 3/4 là sa mạc, 1/4 là đồi núi, rất thiếu nước? Đó là vì họ có những con người sáng tạo. Ở đâu có người sáng tạo thì các nhà đầu tư sẽ đến. Là một nước nhỏ, sống ở sa mạc, nhưng họ luôn coi những khó khăn, thách thức mà biến thách thức thành thời cơ tự khẳng định mình. Càng đi càng thấy, chúng ta có lợi thế về dân số. Với 90 triệu dân, chúng ta đi sau, kém hơn về công nghệ, nhưng nếu chúng ta có ý chí, quyết tâm đầu tư cho giáo dục và sáng tạo, thì chắc chắn chúng ta cũng có cơ hội thành công”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, với tinh thần đó, từ đây đến tháng 7, khi TP tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ chủ trì một chuyên đề về khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo ở TPHCM để phát triển, và chuyến đi này rất có ích, góp phần để chúng ta thực hiện chuyên đề này.

KHẮC VĂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doan-dai-bieu-tphcm-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-lam-viec-tai-nga-va-israel-522595.html