ĐOÀN ĐBQH HẢI PHÒNG GIÁM SÁT TẠI SỞ CÔNG THƯƠNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016-2021

Chiều 13/3, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng giám sát tại Sở Công Thương về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường; các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, đại diện các Sở, ngành liên quan.

ĐOÀN ĐBQH HẢI PHÒNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN NHIỆT ĐIỆN HẢI PHÒNG

Giám đốc Sở Công thương Bùi Quang Hải báo cáo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, giai đoạn 2016-2021, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực năng lượng từng bước được hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, phục vụ quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả; duy trì, phát triển, sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng theo hướng bền vững. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, bất cập trong thực thi chính sách pháp luật đối với các ngành trong lĩnh vực năng lượng. Cụ thể là Luật Điện lực qua 2 lần chỉnh sửa chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; các công trình điện gió ngoài khơi chưa được đề cập trong Luật Hàng hải; thị trường điện cạnh tranh chưa đi vào hoạt động; một số quy định còn chồng chéo; phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng còn nhiều vướng mắc, nhất là việc đấu nối vào lưới điện quốc gia…

Các ý kiến tham gia tại buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc, Sở Công Thương đề xuất Quốc hội chỉ đạo xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào Luật Điện lực. Đồng thời đề xuất Chính phủ chỉ đạo: Bộ Công Thương tổng hợp đề xuất vào Quy hoạch điện VIII cho phép Hải Phòng phát triển điện gió ngoài khơi và một phần điện khí LNG hỗ trợ phát triển điện gió; đưa vào quy hoạch đối với dự án nhà máy đốt rác phát điện Đình Vũ; Trấn Dương; sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo phù hợp với quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Bộ KHĐT ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng…

Hiện Hải Phòng được cấp điện chính từ Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 với tổng công suất 1200MW, một phần từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí và Phả Lại; nguồn năng lượng từ than, dầu, khí chủ yếu thông qua các nhà phân phối; nguồn năng lượng tái tạo tuy có phát triển nhưng chiếm tỷ lệ thấp, không đáng kể. Hệ thống cấp điện cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, giữ vững QPAN và sinh hoạt của nhân dân. Mặc dù vậy, thành phố vẫn phải tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo; hiện đại hóa lưới điện mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần có các cơ chế chính sách cụ thể và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc…

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu và tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, đồng chí Lã Thanh Tân và các đại biểu Quốc hội Hải Phòng yêu cầu Sở Công Thương làm rõ và đề xuất cụ thể hơn các giải pháp, chính sách bảo đảm yêu cầu an ninh năng lượng; khai thác phát huy tiềm năng điện gió ngoài khơi gắn với phát triển kinh tế biển. Đồng thời đề xuất chính sách quản lý Nhà nước về năng lượng bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả…Tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét và giải quyết.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=73974