Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp gỡ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

baotainguyenmoitruong.vn

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc, gặp gỡ với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 2/5

Tham dự Hội nghị có các vị ĐBQH: Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BRVT; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Dương Minh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh BRVT; ông Phạm Đình Cúc, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh BRVT; ông Dương Tấn Quân, Bác sỹ Bệnh viện Thành phố Bà Rịa.

Về phía Lãnh đạo tỉnh BRVT có ông Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy BRVT; ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh BRVT. Tham dự Hội nghị có 97 vị đại biểu đại diện cho những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh BRVT. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Bộ, Văn phòng Tổng cục Môi trường...

Mở đầu Hội nghị, ĐBQH Dương Tấn Quân đã báo cáo nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự kiến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa sẽ khai mạc ngày 21/5/2018 và bế mạc vào ngày 15/6/2018.

Kỳ họp này Quốc hội tập trung vào công tác xây dựng luật, công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng như: Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết đó là: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XIV phát biểu tại buổi gặp gỡ sáng 2/5

Về Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Kỳ họp thứ Năm sẽ cho ý kiến 8 dự án luật: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Về các vấn đề kinh tế-xã hội, Kỳ họp thứ Năm sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017). Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016;

Về công tác giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo tóm tắt với các các vị đại biểu đại diện cho những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2018.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2018 là năm rất quan trọng, quyết định sự thành công của cả kế hoạch 5 năm 2016-2021. Năm 2018 đã được Chính phủ xác định là năm có chủ đề: Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo. Ngay trong quý I/2018 và 4 tháng đầu năm 2018, kinh tế của Việt Nam đã có những tín hiệu tốt và sự chuyển biến đáng mừng, đó là sự tăng trưởng đạt mức 7,38%; trong đó tăng trưởng nông nghiệp quý I lần đầu tiên đạt trên 4% mang lại niềm vui cho bà con nông dân cả nước. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng đã có sự chuyển hướng theo xuất khẩu các sản phẩm rau, hoa, củ, quả…tạo sự tăng trưởng mạnh cho nông nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại buổi gặp gỡ

Cơ cấu công nghiệp đã có sự chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững, hiệu quả, thể hiện qua việc cơ chế chế tạo và công nghiệp điện tử chiếm tỷ lệ lớn, tăng gần 10% trong quý I/2018. Một tín hiệu tốt cụ thể là Formosa Hà Tĩnh, đến nay chúng ta đã kiểm soát rất chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này; bên cạnh đó theo kế hoạch năm 2018, Formosa Hà Tĩnh sẽ dự kiến tăng sản lượng lên đến 7 triệu tấn, sẽ có đóng góp rất lớn đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết những tháng đầu năm 2018, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và sôi động, thể hiện qua các chuyến đi thăm quốc tế hết sức ấn tượng và thành công của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước như chuyến đi thăm Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến đi thăm một số quốc gia châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…Các chuyến thăm ngoại giao này đã ngày càng khẳng định vững chắc và nâng tầm hơn nữa vị thế, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế…

Cũng trong quý I năm 2018, Chính phủ đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

ĐBQH Dương Tấn Quân phát biểu tại buổi tiếp xúc

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi tham gia Hiệp định CPTPP, các sản phẩm của Việt Nam sẽ có thêm nhiều thị trường mới, nhiều cơ hội kinh doanh, xuất khẩu mới và đặc biệt là được đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường quốc tế…

Những tháng đầu năm 2018, Chính phủ cũng đã, đang và tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tổ chức các hội nghị chuyên đề lớn về thương mại xuất khẩu, đầu tư xây dựng cơ bản, nông nghiệp vùng ĐBSCL, đất đai nông lâm trường…

Như vậy, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của Việt Nam những tháng đầu năm 2018 đã có những dấu hiệu tốt như thu ngân sách tăng, góp phần giảm bớt áp lực nợ công, nợ nước ngoài, sử dụng được nhiều hơn nguồn lực đầu tư cho phát triển…Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế như tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, quản lý còn chồng chéo, trùng lắp, chưa hiệu quả…Để khắc phục tình trạng này, Hội nghị Trung ương sắp tới sẽ bàn về các giải pháp sắp xếp tổ chức lại bộ máy quản lý, công tác tổ chức cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả; bên cạnh đó là đưa ra những chính sách về tiền lương, tiền công phù hợp…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết để bảo đảm tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao của năm 2018, chúng ta cũng cần phải lưu ý, theo dõi sát sao để chủ động ứng phó với một số vấn đề đột xuất có thể tác động tới kinh tế - xã hội như: Hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khả năng xuất hiện các cơn bão lớn chưa từng có trong lịch sử; các biến động về thị trường như giá cả, thị trường bất động sản; giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần…Bên cạnh đó cũng cần theo dõi sát sao tình hình quốc tế và khu vực như diễn biến chiến sự ở Syria, mối quan hệ giữa Triều Tiên – Hàn Quốc...

Riêng đối với chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai (đất ở, đất canh tác sản xuất…); các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, y tế…và nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khác cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai giải đáp một số ý kiến của đồng bào, cử tri liên quan đến chính sách, thủ tục liên quan đến đất đai

Về hoạt động của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Tinh thần mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp này là những bộ luật nào chưa chuẩn bị kỹ thì chưa trình Quốc hội, xem xét thảo luận. Đồng thời, thay đổi phương pháp chất vấn và trả lời chất vấn theo tinh thần “ĐBQH chất vấn hỏi 1 phút”, “Bộ trưởng trả lời chỉ trong 3 phút”; hỏi xong, trả lời ngay. Đây là vấn đề cử tri cả nước hết sức quan tâm, tạo được sự tương tác giữa ĐBQH với các vị Bộ trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Sau phần trình bày của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cáo cáo kết quả hoạt động 4 tháng đầu năm 2018 của Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bà Nguyễn Thị Yến cho biết năm 2018, Đoàn ĐBQH tỉnh BRVT đã chọn chủ đề hoạt động là “Chủ động - Sáng tạo - Hiệu quả”.

Theo tinh thần đổi mới đó, Đoàn ĐBQH tỉnh BRVT đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và chuyên gia để góp ý vào các Dự án luật theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đoàn đã gửi tài liệu đến các cơ quan, chuyên gia để lấy ý kiến bằng văn bản; đồng thời tổ chức Hội nghị thảo luận góp ý vào các dự án luật.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đã tổ chức 03 Hội nghị thảo luận lấy ý kiến vào các dự án luật để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm: Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao. Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đóng góp cho các dự án luật: Luật đo đạc và bản đồ, Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Luật cạnh tranh.

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh BRVT đã tham gia Hội nghị tọa đàm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức tại thành phố Vũng Tàu vào cuối tháng 3 về các dự án luật: Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Bí mật nhà nước, Luật cảnh sát biển. Tham gia Đoàn của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về khảo sát tại địa phương để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Ông Bùi Thiết Vân, trú tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức phát biểu ý kiến với các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh

Thực hiện chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và kế hoạch của Đoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức giám sát 3 chuyên đề: Tổ chức 04 buổi làm việc với UBND tỉnh, UBND thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc và Thanh tra tỉnh về nội dung giám sát “Việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu”; Tổ chức 05 buổi làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị về nội dung giám sát 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.

Tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khi đến làm việc với tỉnh. Ngoài ra, các vị Đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên. Đoàn đã tiếp được 20 lượt công dân tại buổi tiếp công dân. Các kiến nghị của công dân được Đoàn tiếp nhận nghiên cứu, phân loại và chuyển đến đến các cơ quan nhà nước có thầm quyền để được xem xét giải quyết.

Bà Dương Thị Sủng - đồng bào Chơ Ro xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành phát biểu kiến nghị Đoàn ĐBQH

Đoàn đã nhận được 92 đơn, thư khiếu nại, tố cáo; đã xử lý đơn (chuyển 19 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; lưu 53 đơn) và đang xử lý 20 đơn. Nhìn chung, việc tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, có sự chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự tin tưởng của công dân đối với đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH...

Sau đó, các vị ĐBQH đã được nghe 16 ý kiến của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh BRVT tham dự Hội nghị phát biểu ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh liên quan đến cơ chế chính sách liên quan đến đời sống, tình hình kinh tế xã hội liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc của BRVT nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Bùi Thiết Vân, trú tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cho biết: Hiện nay ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đường sá và vấn đề nước sạch. Cụ thể, tại Thôn 2, xã Suối Rao còn 1 con đường chính, dân cư phải thường xuyên di chuyển, thế nhưng có khoảng 55m2 chưa được làm hoàn chỉnh, còn lầy lội, nhất là vào mùa mưa, người dân đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, tại tổ 4, tổ 5, Thôn 2, có gần 100 hộ dân chưa có nước sạch để sinh hoạt. Do đó, kiến nghị với Đoàn ĐBQH cần quan tâm kiến nghị UBND tỉnh có hướng hỗ trợ cho địa phương nhằm giải quyết 2 vấn đề khó khăn trên, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Bà Dương Thị Sủng, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, kiến nghị Đoàn ĐBQH xem xét việc phát triển kinh tế cho người dân đồng bào Chơ Ro. Bởi thực tế hiện nay, mặc dù tỉnh BRVT đã có nhiều chính sách ưu tiên cho người Chơ Ro phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo như việc hỗ trợ con giống vật nuôi và phát triển mô hình công nghệ cao trong trồng trọt. Tuy nhiên, việc này chưa phát huy hiệu quả cao, người dân đồng bào Chơ Ro vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện, nhiều đất đai còn để lãng phí. Do vậy, mong Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét và có ý kiến với địa phương như cần rà soát đối tượng hỗ trợ cho phù hợp và tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết để phát triển kinh tế hiệu quả hơn, sớm thoát nghèo…

Ông Đào Văn Sinh - dân tộc Châu Ro, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức phát biểu ý kiến

Ông Đào Văn Sinh - dân tộc Châu Ro, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức phản ánh, hiện nay có nhiều người dân tộc Châu Ro không biết nói, viết tiếng Châu Ro. Do đó, ông Đào Văn Sinh đề nghị Quốc hội và các ngành, các cấp giúp xây dựng hệ thống chữ viết của người dân tộc Châu Ro để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Châu Ro.
Còn ông Cao Xuân Bính - dân tộc Mường, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc cho rằng, cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở có vai trò rất quan trọng. Họ phải là người nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện. Do đó, đề nghị tỉnh có quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở; quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác dân tộc cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc, phục vụ địa phương.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt sáng 2/5

Sau phát biểu của người có uy tín, đại diện UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đồng bào. Phát biểu kết luận Hội nghị, ĐBQH Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT trân trọng cám ơn ý kiến của các cử tri là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh. Thay mặt Đoàn ĐBQH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà hứa sẽ đem các ý kiến của đồng bào dân tộc thiểu số đến các cấp, ngành có liên quan để góp phần nâng cao đời sống xã hội, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh BRVT nói riêng và cả nước nói chung lên cao hơn trong thời gian tới.

Chiều nay 2/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp xúc cử tri huyện Tân Thành. Báo Điện tử sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/trong-nuoc/doan-dbqh-tinh-ba-ria-vung-tau-gap-go-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-1252736.html