ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG KHÓA XIV: ĐIỂM MỚI TRONG TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN XÂY DỰNG LUẬT

Nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tỉnh ủy, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan hữu quan và sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri nhân dân, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi mới cả về hình thức và phương pháp hoạt động qua đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Đoàn ĐBQH theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của các khóa trước; bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy và thực tiễn địa phương. Đoàn ĐBQH tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ: Tham gia lập pháp; giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước góp phần vào kết quả chung của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Nâng cao chất lượng ý kiến góp ý xây dựng luật

Công tác lập pháp được Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tổ chức với nhiều đổi mới cả về hình thức và phương pháp. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, ngành của Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận, đóng góp ý kiến cho các dự án luật hoặc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu góp ý bằng văn bản; kết hợp lấy ý kiến xây dựng luật tại các đợt tiếp xúc cử tri, làm việc với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các sở ngành của tỉnh; lựa chọn một số nội dung liên quan đến việc xây dựng luật để tiến hành giám sát, khảo sát. 05 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành 65 văn bản góp ý vào các dự án luật với các hình thức là: tổ chức 37 hội nghị xây dựng luật và đề nghị góp ý kiến bằng văn bản gửi về Đoàn để tổng hợp 28 dự án luật khác.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật

Đối tượng lấy ý kiến xây dựng luật được mở rộng. Ngoài các cơ quan chuyên môn, Hội luật gia, Đoàn luật sư trên địa bàn tỉnh, Đoàn mời một số chuyên gia có am hiểu về chính sách pháp luật và thực tiễn tham gia góp ý kiến. Bên cạnh đó đã xây dựng đội ngũ chuyên gia gần 50 người có chuyên môn sâu công tác tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh, tại các trường Đại học, Viện Nghiên cứu trên cả nước. Việc xây dựng đội ngũ chuyên gia là điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ này. Các chuyên gia này đã có đóng góp tích cực trong nghiên cứu, góp ý vào các dự án luật cũng như hỗ trợ các ĐBQH trong việc lấy thông tin; phân tích, đánh giá vấn đề chuyên sâu trên từng lĩnh vực. Nhờ vậy, chất lượng ý kiến góp ý cho các dự án luật, dự thảo nghị quyết từng bước được nâng lên.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn phân công các đại biểu Quốc hội phụ trách chuyên sâu từ 01 đến 02 luật tại mỗi kỳ họp để đại biểu Quốc hội nghiên cứu chuyên sâu, tham gia đóng góp ý kiến, hoàn thiện các Dự án Luật; kết hợp hài hòa việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với việc đóng góp chuyên sâu vào các dự án Luật trình tại các kỳ họp Quốc hội, qua đó tổng hợp và lấy ý kiến từ thực tiễn và những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; những cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai và thi hành pháp luật sau khi luật được Quốc hội biểu quyết thông qua từ đó làm phong phú thêm hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật.

Chủ động trong hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát cơ bản được triển khai theo chương trình kế hoạch, bám sát chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và trên cơ sở tình hình thực tiễn địa phương. Đoàn đã chủ động ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, kế hoạch, đề cương giám sát và yêu cầu đối tượng giám sát chuẩn bị nội dung báo cáo gửi về Đoàn để thành viên Đoàn giám sát có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị; chủ động tiến hành khảo sát từ cơ sở để cung cấp thông tin, lựa chọn vấn đề để Đoàn giám sát xem xét kỹ trước khi giám sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại phiên thảo luận Tổ của kỳ họp Quốc hội

Trong nhiệm kỳ, Đoàn tổ chức được 15 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề cấp thiết như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; về an toàn thực phẩm; về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi; về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; về phòng cháy, chữa cháy; về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân thuộc nông trường Cam Bố Hạ…Qua giám sát đã ban hành các kiến nghị gửi tới các cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương xem xét, giải quyết.

Sau khi có kiến nghị của Đoàn giám sát, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Thông qua giám sát, những hạn chế trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp được phát hiện; nhiều kiến nghị qua giám sát đã được các cơ quan nghiêm túc thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của các cơ quan nhà nước.

Cùng với hoạt động giám sát qua phản ánh kiến nghị của cử tri; qua tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, Đoàn đã tiến hành khảo sát những vấn đề bức xúc mà cử tri nêu; những vấn đề phức tạp do nhân dân phản ánh qua đơn thư gửi đến Đoàn; khảo sát những vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Để không ngừng nâng cao hiệu quả của hoạt động này, cuối nhiệm kỳ Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, khảo sát và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri. Qua đó giúp Đoàn nắm được tình hình thực hiện của cơ quan chức năng đối với các kiến nghị sau giám sát và kiến nghị của cử tri. Kết quả cho thấy đa số kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện trong quá trình điều hành và triển khai các chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.

Trao đổi thẳng thắn giữa cử tri với ĐBQH

Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều hình thức tiếp xúc cử tri; có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện; số điểm tiếp xúc cử tri tăng; qua đó kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh đến Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.

Tiếp xúc cử tri thường lệ trước và sau các kỳ họp được duy trì đều đặn. Để đại biểu được tiếp xúc cử tri ở nhiều địa bàn, Đoàn phân công từng đại biểu tiếp xúc cử tri tại các điểm. Nhờ vậy, ĐBQH được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với nhiều cử tri trực tiếp lao động sản xuất, tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri trên nhiều lĩnh vực bức xúc, kịp thời phản ánh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri ngày càng chặt chẽ. Kết quả: nhiều ý kiến của cử tri đã được tổng hợp, kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng và nhiều kiến nghị đã được quan tâm giải quyết.

Ngoài ra, Đoàn đã tăng cường hoạt động; thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc cử tri nơi công tác; nơi đại biểu Quốc hội sinh sống và quê quán của đại biểu; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề gắn với nội dung kỳ họp và những vấn đề thực tế nổi lên ở địa phương như: tiếp xúc cử tri chuyên đề thực hiện xã hội hóa đối với sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; tiếp xúc cử tri ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh/huyện; chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện luật khiếu nại, luật tố cáo, luật tiếp công dân; Tiếp xúc cử tri theo từng đối tượng: nôi dân, phụ nữ, công nhân tại các khu công nghiệp, ngành thuế, ngành công an, cử tri quân đội; tiếp xúc cử tri doanh nghiệp tại các khu công nghiệp; tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, ngoài việc báo cáo dự kiến nội dung, chương trình, kết quả các kỳ họp Quốc hội, ĐBQH đã thông báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng; dành thời gian tuyên truyền nội dung cơ bản của các luật, nghị quyết, chính sách mới liên quan trực tiếp đến cử tri địa phương và báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh; dành thời gian thỏa đáng để cử tri phát biểu ý kiến, tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thẳng thắn giữa cử tri với ĐBQH.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức 122 cuộc tiếp xúc cử tri thường lệ trước và sau các kỳ họp Quốc hội, 30 cuộc tiếp xúc cử tri theo đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực đại biểu quan tâm với sự tham gia của gần 16.000 lượt cử tri. Qua đó, chuyển tải 274 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri tới cơ quan có thẩm quyền, trong đó 134 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; 140 ý kiến, kiến nghị liên quan đến thẩm quyền các cơ quan của tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chủ yếu về đầu tư hạ tầng, góp ý xây dựng luật; kiến nghị chính sách đặc thù trong phân bổ ngân sách hàng năm; chế độ phụ cấp đặc thù các ngành, nghề, khu vực; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện chính sách về người có công với cách mạng... Các ý kiến, kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của địa phương chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: quản lý đất đai (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai…); công tác phòng chống tham nhũng lãng phí; hỗ trợ sinh hoạt phí cho Trưởng thôn, bản, Trưởng ban Mặt trận và trưởng các đoàn thể của thôn bản, tổ phố…Phần lớn kiến nghị được các cấp chính quyền địa phương trả lời trực tiếp tại các hội nghị TXCT. 100 % các kiến nghị cử tri đã được cơ quan chức năng trả lời. 86 % các kiến nghị đối với cấp tỉnh đã giải quyết xong.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thường xuyên rà soát, nắm bắt việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những kiến nghị của cử tri chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm, Đoàn có văn bản đôn đốc, đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khóa XIV với đặc thù đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Lãnh đạo Đoàn giữ vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động của các đại biểu trong Đoàn; tổ chức các hoạt động theo quy định; chủ trì họp Đoàn để thảo luận và thống nhất chương trình công tác; phân công ĐBQH tham gia các hoạt động chung… Với cách thức tổ chức và phương thức hoạt động như trên đã góp phần phát huy vai trò của mỗi cá nhân đại biểu đối với hoạt động chung của Đoàn, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa ĐBQH với cử tri, tạo điều kiện để đại biểu hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH luôn tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong chỉ đạo và điều hành hoạt động của Đoàn, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan ở trung ương. Định kỳ báo cáo tình hình và kết quả hoạt động với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn cử đại biểu tham gia tích cực vào hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ khi có Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát, khảo sát tại địa phương.

Đoàn thường xuyên phối hợp để thực hiện các chế độ, chính sách cho ĐBQH và tổ chức thực hiện nguồn kinh phí được giao, quan tâm đến việc quy hoạch đào tạo đối với công chức, nhân viên Văn phòng Đoàn ĐBQH; phối hợp tổ chức các Hội nghị trực tuyến triển khai các văn bản quy phạm pháp luật đến địa phương; các Hội nghị chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Trong quá trình công tác Đoàn ĐBQH tỉnh duy trì được mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh để đã thực hiện tốt việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri; kịp thời trao đổi trong hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; tham gia góp ý kiến xây dựng luật, giám sát và các hoạt động thường xuyên khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh còn những hạn chế song trong suốt nhiệm kỳ, từng ĐBQH trong Đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH, Nội quy kỳ họp, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đại biểu nhân dân. Các đại biểu luôn gương mẫu, trách nhiệm trong mọi hoạt động không có trường hợp vi phạm. Đoàn đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng các mặt hoạt động. Qua đó hoàn thành tốt chương trình hoạt động theo kế hoạch đề ra./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=55051