Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại tổ

Sáng 25/5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5. Tổ thảo luận số 03 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An và Bạc Liêu.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia phiên thảo luận tại tổ.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia phiên thảo luận tại tổ.

Phiên thảo luận do đồng chí Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, chủ trì.

Trong phiên làm việc buổi sáng, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận 08 nội dung về: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; (2) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; (3) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; (4) Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; (5) Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; (6) Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; (7) Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; (8) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Thảo luận tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề cập đến nhiều lĩnh vực và kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành có phương án xử lý như: Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rà soát, tổng hợp đầy đủ và có phân loại những khó khăn, vướng mắc của công nhân lao động qua đợt TXCT chuyên đề của Đoàn ĐBQH các tỉnh thực hiện trước kỳ họp để phản ánh được đầy đủ các vấn đề theo đặc thù mỗi địa phương, vùng miền; liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu đề cập đến hiện tượng học sinh lớp 9 chuyển cấp lên lớp 10 có học lực không tốt được vận động chuyển sang học tại các trường tư thục hoặc học nghề, nhất là tại các thành phố lớn thời gian qua và lĩnh vực bạo lực học đường. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, có đánh giá cụ thể và đưa ra giải pháp xử lý.

>

Về tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân của tình trạng này, trong đó nếu xác định có nguyên nhân liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật chưa phù hợp cần rà soát và có điều chỉnh kịp thời. Về những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm xe ô tô, đại biểu đặt ra vấn đề về công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra thời gian qua đã được thực hiện như thế nào và đã có kiến nghị xử lý không khi để xảy ra các vi phạm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiếp tục có các giải pháp xử lý, đảm bảo an toàn của người dân.

Đánh giá về việc thực hiện Chương trình MTQG thời gian qua, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Bộ, ngành sớm giải quyết các vướng mắc của các địa phương đã phản ánh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới; đề nghị cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng từ 60% trở lên để góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay; đề nghị có chính sách thu hút các doanh nghiệp trong nước chế biến thức ăn gia súc để giảm bớt chi phí cho người dân; đề nghị Bộ Quốc phòng sớm có phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến ranh giới đất quốc phòng và người dân đã kéo dài nhiều năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Cùng quan tâm đến việc triển khai thực hiện các chính sách bảo vệ rừng, đại biểu Nguyễn Thị Huế đã kiến nghị nhiều nội dung đề nghị Trung ương nghiên cứu và có điều chỉnh như: Đề nghị xem xét, bổ sung tiêu chí tỷ lệ đất rừng và độ che phủ rừng của các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao vào tiêu chí phân bổ ngân sách nhà nước; triển khai đầy đủ các dịch vụ liên quan đến rừng. Bên cạnh đó, liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ATK, đại biểu Huế đề nghị cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã này…/.

Triệu Tuyên

>

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/doan-dbqh-tinh-bac-kan-tham-gia-thao-luan-tai-to-post52550.html