Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn một số vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH

Trong phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV ngày 1/11, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 3 đại biểu: Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, đã gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ trưởng về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp. Anh: Quang Khánh (Báo Đại biểu Nhân dân)

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan cho rằng: Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt ở các đô thị ngày càng gia tăng, nhưng việc xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp, chiếm trên 80% và đốt, không xử lý triệt để, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và không khí, cử tri rất bức xúc. Nhiều địa phương còn vướng mắc, chưa có biện pháp để xử lý có hiệu quả… Do vậy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ KH&CN có những giải pháp gì để giải quyết những bất cập trên.

Đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan nêu rõ: Như Bộ trưởng đã trả lời chất vấn thì du lịch Việt Nam đã có bước phát triển. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, kết nối phát triển du lịch Việt Nam và quốc tế, nâng giá trị dịch vụ du lịch và đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì Bộ trưởng có những giải pháp trọng tâm, đột phá như thế nào trong thời gian tới. Đại biểu mong được Thủ tướng Chính phủ trả lời định hướng của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này của Trưởng Đoàn ĐQBH tỉnh cùng một số vị đại biểu khác, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong thời gian gần đây, chúng ta đã tập trung chính sách chuyển dịch cao độ, bám sát vào những vấn đề thực sự của đời sống xã hội, của các ngành, lĩnh vực để tập trung giải quyết. Trong tinh thần của nghị quyết và các chỉ đạo của Chính phủ gần đây, doanh nghiệp phải là trung tâm của hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia. Nhà nước dù Trung ương hay địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học phải tập trung cao độ nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh thông qua vũ khí khoa học công nghệ. Bằng cách như thế Bộ KH&CN cũng đã chuyển dịch mạnh chính sách bám sát các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, trong công nghiệp và các ngành. Qua đó hoạt động này lôi kéo được toàn bộ đội ngũ khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng khẳng định sẽ lắng nghe, tiếp thu, tiếp cận những phản hồi thông tin để sao cho tính phục vụ của khoa học ngày càng sát hơn với thực tiễn và cùng với kết quả của các ngành, địa phương thì dần dần tác động sẽ mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ TN&MT đã trả lời lồng ghép các nội dung do Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn cùng với một số đại biểu khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Ngô Thị Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lên Vĩnh Tân:

Theo Báo cáo số 185 ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đã chỉ ra số chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập quá lớn, trong đó trên 90% số giáo viên, giảng viên vẫn nằm trong biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp mà Bộ trưởng đã tham mưu về việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục và bố trí đội ngũ giáo viên đã góp phần giải quyết được vấn đề nêu trên hay chưa? Nếu chưa, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp nào khác để vừa tháo gỡ được những bất cập này và vừa giải quyết được bài toán thực tế về tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đang diễn ra tại hầu khắp các địa phương hiện nay. Trước áp lực về sĩ số học sinh cũng như bài toán đang khó giải, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đang vi phạm quy định về diện tích sàn xây dựng tối thiểu bình quân trên một học sinh theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ và vi phạm quyền học tập của học sinh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời các chất vấn. Ảnh: Kinh tế Đô Thị

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, câu hỏi của đại biểu Ngô Thị Minh ngày hôm trước đã được Bộ giải trình cùng với các câu hỏi của đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn Bình Phước và đại biểu Trần Thị Hằng, Đoàn Bắc Ninh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ vẫn trả lời thêm một số nội dung.

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định số 60 ngày 26/10/2011 quy định một số chính sách đối với phát triển giáo dục mầm non. Từ năm 2011 đến năm 2015, để thực hiện chủ trương chúng ta phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Trong đó, đối với giáo viên đang dạy chế độ hợp đồng tại các cơ sở mầm non dân lập và bán công sẽ được hưởng tất cả các chế độ như giáo viên mầm non công lập. Như vậy, từ năm 2011 cho đến nay, rất ít các địa phương thực hiện việc chuyển từ chế độ hợp đồng qua biên chế của giáo viên ngành mầm non. Giống như việc thực hiện Nghị định 117 đối với y tế cơ sở mà Bộ Nội vụ đã trình bày tại phiên họp hôm trước. Hiện nay, số giáo viên của ngành mầm non đang thiếu là khoảng 65.065 người, trong đó đang thực hiện chế độ hợp đồng mà ngân sách địa phương trả là 52.238 người.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết thêm: Theo kết luận tại cuộc họp tháng 5/2018 của Thủ tướng Chính phủ qua Nghị quyết 74 và Nghị quyết 24 ngày 6/10/2018, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ cùng với Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính để tham mưu trong việc đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp dạy, đặc biệt là việc thiếu giáo viên của hệ mầm non. Bộ Nội vụ cũng đã có hai văn bản trình Chính phủ, trong đó có Văn bản số 5068 ngày 11/10/2018, đề nghị Chính phủ xem xét và bổ sung biên chế cho hệ mầm non đối với 17 tỉnh có tăng dân số cơ học là 20.973 giáo viên và 15 tỉnh Tây Nguyên là 5.735 giáo viên. Công văn đã đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả giáo viên hợp đồng trước năm 2015 có cách xử lý phù hợp trong điều kiện ưu tiên để tuyển chọn số giáo viên trong biên chế chưa tuyển đủ.

Về mặt lâu dài, Bộ Nội vụ cũng đã có đề thực hiện 6 giải pháp sau: Thứ nhất, rà soát lại số học sinh, giáo viên thực tế để giải quyết tình trạng dư thừa giáo viên. Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các nghị định quy định của Chính phủ về vấn đề tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ ba, xây dựng cơ chế chuyển đổi mô hình đối với các cơ sở giáo dục mầm non và trung học phổ thông từ công lập khuyến khích chuyển sang ngoài công lập. Thứ tư, rà soát lại định mức giáo viên trên lớp, học sinh trên lớp và giảng dạy trong tuần... Thứ năm, nghiên cứu chuyển giáo viên ở nơi thừa sang nơi thiếu và có đào tạo lại.

Và giải pháp cuối cùng của Bộ Nội vụ đưa ra là hoàn thiện lại các đề án vị trí việc làm sau khi đã sáp nhập các đơn vị trong giáo dục mầm non.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, ĐBQH tỉnh gửi tới Thủ tướng một vấn đề. Đó là: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng từ đó tạo nên khối đại đoàn kết trong toàn dân tộc, trước cử tri là những đồng bào tôn giáo trong cả nước đang theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, xin Thủ tướng làm rõ thêm, sâu sắc thêm về đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tôn trọng và bình đẳng giữa các tôn giáo với nhau…

Nội dung này của Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu trong bài phát biểu chung trước Quốc hội.

Nguyễn Thị Mai (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201811/doan-dbqh-tinh-chat-van-mot-so-van-de-lien-quan-den-phat-trien-kt-xh-2406677/