ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC CHỦ ĐỘNG, KHOA HỌC VÀ KỶ LUẬT

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục xây dựng Chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết, đổi mới phương pháp làm việc chủ động, khoa học và kỷ luật; chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ...

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đề cập về công tác xây dựng pháp luật trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, Đoàn sẽ triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Tổ chức hợp lý, có chất lượng các hình thức lấy ý kiến các đại biểu, các cơ quan, đơn vị hữu quan tham gia vào các dự án luật, pháp lệnh. Xây dựng đội ngũ chuyên gia tham gia nghiên cứu và góp ý xây dựng luật cho Đoàn ĐBQH.

Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Tại Kỳ họp thứ 7 dự kiến thông qua 09 dự án Luật và 09 dự án luật cho ý kiến. Kỳ họp thứ 8, dự kiến có 09 dự án luật được thông qua và 02 dự án luật cho ý kiến. Đoàn cũng sẽ tham gia các hoạt động thẩm tra, góp ý, thảo luận về các dự án luật, nghị quyết tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Chủ động khảo sát thực tiễn các nội dung liên quan đến dự án luật trình kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là các dự án luật liên quan trực tiếp đến người dân.

Về hoạt động giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề cử tri đang quan tâm, bức xúc và những nội dung cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách pháp luật để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội;chú trọng theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, khảo sát. Tích cực tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tổ chức tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị hữu quan để tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh. Nâng cao vai trò hoạt động giám sát của cá nhân từng ĐBQH và nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thực hiện hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan phát biểu tại cuộc giám sát tại Sở Công Thương của tỉnh.

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH sẽ tổ chức giám sát 03 nội dung theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 01 nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh và tổ chức các cuộc khảo sát khi cần thiết. Giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay; phối hợp tham gia hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Thực hiện tốt công tác chất vấn và giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Về công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước, sau các kỳ họp Quốc hội trong năm 2024. Tiếp tục đổi mới và tăng cường hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, theo nơi cư trú, đối tượng và nơi công tác mà đại biểu quan tâm, tiếp xúc trực tuyến... trước và sau kỳ họp thứ 7, thứ 8; mở rộng thành phần, địa bàn tiếp xúc. Trước các đợt tiếp xúc cử tri, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm thông tin rộng rãi chương trình tiếp xúc cử tri và các cuộc tiếp xúc để Nhân dân biết và tham gia. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng công tác tổng hợp và tổng hợp đầy đủ, kịp thời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền gửi Trung ương và của địa phương xem xét, giải quyết; theo dõi, giám sát và đôn đốc việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo dõi, rà soát việc giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tiếp tục đôn đốc, giám sát những nội dung chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng.

Về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tiếp tục nâng cao trách nhiệm đại biểu trong việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; phối hợp tham gia tiếp công dân của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ để nắm, theo dõi, phối hợp xử lý đơn thư; tiếp nhận và xử lý kịp thời không để đơn thư tồn đọng. Theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và trả lời kết quả giải quyết đến công dân theo quy định của pháp luật. Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng theo đúng quy định.

Về công tác truyền thông, thông tin, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để cử tri và Nhân dân tỉnh nhà theo dõi, giám sát. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Đối với việc chuẩn bị, tham dự kỳ họp Quốc hội, Đoàn chủ động tham gia, phối hợp chuẩn bị tốt các nội dung của kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV và các kỳ họp bất thường (nếu có); phát huy vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.

Đối với các hoạt động đối ngoại và phối hợp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thực hiện tốt Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND, UBND tỉnh. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, tiếp đón và dự làm việc với Bộ, ngành Trung ương, các đoàn công tác trên địa bàn. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với UBND tỉnh trong việc kết nối, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Ngoài ra, Đoàn cũng sẽ phối hợp với các Đoàn công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi triển khai các hoạt động trên địa bàn. Phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các huyện, thành phố, thị xã trong công tác giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, hội nghị, hội thảo, các hoạt động an sinh xã hội…

Về các hoạt động khác, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, Đoàn sẽ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời đến các gia đình chính sách; tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực để thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội của Đoàn nhất là vào các dịp tết Nguyên đán, Ngày đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đại biểu là thành viên của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia đầy đủ hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban theo nhiệm vụ được phân công; dự các phiên họp của tỉnh, các kỳ họp HĐND tỉnh; tham gia các hoạt động chung của tỉnh tổ chức.

Thực hiện nhiệm vụ Đoàn công tác theo Quyết định số 998-QĐ/TU, ngày 12/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiện toàn các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với các đảng bộ huyện, thành phố trực thuộc Tỉnh ủy. Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và các lĩnh vực công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao phó và các kế hoạch công việc đề ra, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Hàng năm, cân nhắc số lượng cuộc giám sát chuyên đề giao cho Đoàn ĐBQH tỉnh hợp lý hơn với điều kiện, khả năng thực tế của Đoàn. Đối với những chuyên đề giám sát đòi hỏi chuyên môn sâu, đề nghị Đoàn Giám sát hướng dẫn về cách thức, nội dung cần tập trung giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát. Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội để định hướng hoạt động và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84374