Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Trong ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật; thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Liên quan đến Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu tham gia một số nội dung.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn khẳng định thống nhất với quan điểm cần phải luật hóa các quy định, chế định nhằm củng cố địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, phù hợp xu thế phát triển của loại hình kinh doanh phổ biến này ở nước ta, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, Đại biểu Lê Minh Chuẩn chỉ ra rằng nhìn nhận từ góc độ kỹ thuật lập pháp, việc xây dựng một đạo luật riêng quy định về hộ kinh doanh sẽ phù hợp hơn việc Dự thảo Luật Doanh nghiệp đưa thành 1 chương quy định về hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, Đại biểu thống nhất với các nhóm ý kiến thứ 2. Đó là đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật này mà xem xét ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Vì ngoài các lý do như báo cáo giải trình thẩm định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu thì thực tế hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, các quy định về hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) mới chỉ tập trung quy định thủ tục về đăng ký hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ chung của hộ kinh doanh mà chưa quy định đầy đủ về địa vị pháp lý, hình thức, cơ cấu hoạt động của hộ kinh doanh. Vì vậy, theo Đại biểu, khi những khía cạnh pháp lý liên quan đến quản lý hoạt động của hộ kinh doanh chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để xây dựng những chế định chặt chẽ, vững chắc, toàn diện, thì việc đưa các quy định này vào Dự thảo Luật Kinh doanh (sửa đổi) có thể sẽ ảnh hưởng tới tính ổn định, bền vững của Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận loại hình này là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Chính vì vậy, Đại biểu cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào đối tượng và phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì đồng nghĩa phải sửa đổi, bổ sung một số luật khác có liên quan.

Liên quan đến Điều 43 của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) “Về thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp” được thiết kế 2 phương án. Đó là: Bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh và tiếp tục duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như luật hiện hành. Theo đó, Đại biểu bày tỏ ý kiến chọn phương án “Bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh”. Bởi theo Đại biểu, ngoài các lý do như báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì còn do Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng việc bắt buộc thông báo mẫu dấu là một thủ tục hành chính có tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh. Như vậy, việc loại bỏ thủ tục này có thể giúp cải thiện thứ hạng về môi trường kinh doanh của quốc gia.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn cũng cho rằng, việc này giúp thay đổi tư duy của người kinh doanh về tính bắt buộc của con dấu khi tham gia vào hoạt động thương mại, đấu thầu quốc tế. Bởi trên thực tế, nhiều chủ đầu tư trong nước đưa ra yêu cầu về đăng ký/thông báo mẫu dấu như một điều kiện tiên quyết trong hồ sơ mời thầu, gây khó khăn cho các nhà thầu nước ngoài, cũng như làm phát sinh các tình huống đấu thầu phức tạp. Ngoài ra, các lập luận được nêu ra tại phương án là “Tiếp tục duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như luật hiện hành” hầu hết đều là những dự liệu mang tính định tính, chưa có cơ sở chắc chắn và thể hiện được những đánh giá về tác động của mỗi phương án tới thực tiễn. Ví dụ, các luận điểm chưa có số liệu thể hiện được mức độ phản ứng của doanh nghiệp đối với việc phải thực hiện hay không thực hiện việc thông báo mẫu dấu, hay hiệu quả cụ thể, thực tiễn trong hoạt động kiểm soát, quản lý kinh tế- xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cùng với đó, Đại biểu Lê Minh Chuẩn cũng đề đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số điều, khoản trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202005/doan-dbqh-tinh-tham-gia-y-kien-vao-du-an-luat-doanh-nghiep-sua-doi-2484466/