Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về tuyến cao tốc Bắc – Nam

Trong chương trình làm việc tại kỳ họp lần thứ 9, sáng 9/6, sau khi nghe một số tờ trình, báo cáo liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, Quốc hội đã tổ chức thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tại tổ với Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Hậu Giang. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chủ trì phiên thảo luận.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu trong ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đều đánh giá cao các tờ trình, nghị quyết mà các cơ quan đã trình bày tại phiên họp toàn thể buổi sáng cùng ngày. Theo đó, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, trong đó, dự kiến chuyển đổi ba dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã bày tỏ nhất trí với chủ trương và quan điểm do Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý một số vấn đề cần thực hiện nghiêm túc. Đó là: Phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng; việc triển khai dự án này không làm ảnh hưởng đến các nguồn chi khác, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; cần tập trung tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là các địa phương phải tập trung giải phóng mặt bằng, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến tiến độ thi công; quá trình thực hiện phải tăng cường kiểm tra, giám sát về tiến độ theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại phiên thảo luận.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thì khẳng định, tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là công trình trọng điểm của quốc gia, vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần quan tâm như: Nếu có nhà đầu tư đã đầu tư một đoạn, sau đó không trúng thầu đoạn tiếp theo do khó khăn từ đại dịch Covid-19 thì xử lý như thế nào? Đại biểu Vũ Hồng Thanh cũng cho cho rằng, cần phải bố trí nguồn vốn để đảm bảo hiệu quả, thành công cho dự án, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ của các dự án giao thông như thời gian vừa qua.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào một số nội dung tại phiên thảo luận.

Vấn đề liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng cần nghiên cứu cơ chế đã ban hành cho TP Hồ Chí Minh có gì cần lưu ý và làm rõ tại sao Luật Thủ đô chưa đi vào cuộc sống. Bởi có phân tích, làm rõ 2 nội dung này thì sẽ đưa ra được chính sách đặc thù cho Hà Nội phù hợp. Đồng chí cũng đề nghị cần thực hiện thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm về triển khai, phân tích đặc thù cho các địa phương khác; có cơ chế kiểm tra, giám sát ngăn chặn tiêu cực. Về các nguồn thu để lại cho Hà Nội trong Dự thảo Nghị quyết (phí, lệ phí), đồng chí cho rằng cần quy định khung và giao địa phương quy định cụ thể, từ đó dành nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm cho Hà Nội và cũng là chung cho quốc gia, không nên dành cho chi thường xuyên.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận về một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Xuân Ninh (Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND và UBND tỉnh)

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ việc ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Bởi lẽ: Nếu cho Hà Nội cơ chế đặc thù được ban hành quy định về phí, lệ phí thì sẽ kịp thời, phù hợp với công tác quản lý nhà nước, đồng thời tránh thất thu thuế cho địa phương.

Đồng chí cũng cho rằng, việc phân cấp cho HĐND TP Hà Nội ban hành quy định về phí, lệ phí là phù hợp vì đã có cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh thực hiện. Mặt khác, đồng chí cũng chỉ ra rằng, việc cho Hà Nội hưởng 50% giá trị tài sản đất khi bán tài sản công sẽ giúp cho Hà Nội tăng thu để thực hiện nhiệm vụ chi kịp thời. Sau khi áp dụng cho Hà Nội thì Trung ương cũng cần nghiên cứu, áp dụng cho các địa phương khác.

Liên quan đến vấn đề cho Hà Nội giữ lại toàn bộ vốn thoái thu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đồng chí cho rằng, hiện các địa phương không được hưởng lợi ích gì từ việc cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trong khi quy trình thực hiện rất phức tạp, lâu dài dẫn đến việc các địa phương không mặn mà với cổ phần hóa. Chính vì vậy, theo đồng chí, vấn đề đặt ra là cần phải có cơ chế phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương từ việc này cho phù hợp, đồng thời cần áp dụng chung cho các địa phương, không nên chỉ áp dụng cho Hà Nội. Về chi ngân sách theo Dự thảo Nghị quyết thì cho Hà Nội sử dụng nguồn từ cải cách tiền lương để chi cho đầu tư phát triển. Việc này hiện đang phải xin Chính phủ rất mất thời gian, vì thế, đồng chí đề nghị cần ban hành cho Hà Nội và cho cả nước.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia nhiều ý kiến khác liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202006/doan-dbqh-tinh-thao-luan-tai-to-ve-tuyen-cao-toc-bac-nam-2487053/