ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Chiều 12/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển khai cuộc giám sát 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông' (SGK GDPT) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ NỐI NHỊP CẦU TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI ĐẾN QUỐC HỘI

Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Sửu quán triệt các nội dung, kế hoạch cuộc giám sát

Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Sửu quán triệt các nội dung, kế hoạch cuộc giám sát

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thị Sửu, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 88, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404 phê duyệt “Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT” và các kế hoạch liên quan.

Tuy nhiên, vì chưa có trong tiền lệ, nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi sự lúng túng trong cách tiếp cận, cách triển khai. Việc đổi mới Chương trình, SGK GDPT được thực hiện trong điều kiện nguồn lực hạn chế; điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của việc tập huấn giáo viên và tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến trong tình hình dịch COVID-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp.

Việc phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được quan tâm đúng mức; công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên chưa được thực hiện một cách cơ bản; một bộ phân giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Điều kiện cơ sở vật chất ở đa số các cơ sở GDPT hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện.

Do đó, đợt giám sát lần này sẽ tập trung làm rõ một số vấn đề về công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK; đánh giá về Chương trình GDPT 2018 và SGK, thể hiện trên các phương diện sau: Mức độ đáp ứng mục tiêu GDPT của Chương trình GDPT 2018; mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn SGK GDPT.

Đồng thời, đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình; nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa và hiệu quả sử dụng kinh phí; đánh giá tiến độ, lộ trình thực hiện…

Cuộc giám sát được thực hiện từ 13-16/12/2022 tại các địa phương, đơn vị do đoàn giám sát lựa chọn.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=71420