Đoạn đường đắt đỏ vào Yên Tử 72,5 tỷ/1km, hơn 2 năm vẫn không xong

Sắp vào mùa lễ hội, nhưng một số đoạn đường thuộc Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 18 vào Khu di tích Yên Tử (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vẫn ngổn ngang đất đá. 4 km đường có giá 290 tỷ đồng, sau hơn 2 năm triển khai vẫn chưa thể hoàn thành.

Dự án “Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ QL18 vào khu Di tích Yên Tử, đoạn từ Dốc Đỏ đến ngã tư Nam Mẫu - Giai đoạn 1” được khởi công từ tháng 11.2016, với tổng vốn đầu tư gần 260 tỉ đồng; trong đó, Quảng Ninh góp hơn 22,8 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng; số còn lại là ngân sách Trung ương. Đơn vị thi công dự án là Công ty CP Nhân Bình (Hà Nội).

Được biết, năm 2016 Công ty CP Nhân Bình trúng thầu thi công dự án này với giá hơn 189,5 tỷ đồng. Giảm giá sau đấu thầu là 673 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm chưa đến 0.4% so với gói thầu. Hợp đồng là loại theo đơn giá cố định hoàn thành trước tháng 12.2017.

Thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Công ty CP Nhân Bình có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ phải hoàn thành trong năm 2017. Nhưng sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã không đảm bảo được tiến độ. Nguyên nhân, theo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh), do trong quá trình tổ chức thi công, Dự án đã gặp phải nhiều khó khăn bởi mưa nhiều, khối lượng đào đắp lớn...

Mặc dù Quảng Ninh xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh, là động lực khai thác tối đa lợi thế du lịch tâm linh, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách dịp lễ hội đầu năm.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với những khu du lịch, nhất là như Yên Tử, chỉ cần mở rộng, điều chỉnh ở một số đoạn cua gấp trên tuyến đường lâu nay, nhằm vừa bảo vệ được cảnh quan, môi trường, để du khách vừa đi vừa thường ngoạn cảnh đẹp, đồng thời tiết kiệm được ngân sách.

Một điểm sạt trượt nguy hiểm tại khu vực dự án.

Một điểm sạt trượt nguy hiểm tại khu vực dự án.

Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường có chiều dài 7km (từ ngã ba Dốc Đỏ, phường Phương Đông đến ngã tư Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí), nền rộng 12m đạt tiêu chuẩn đường cấp III, vận tốc thiết kế 60km/giờ, trên cơ sở bám theo tuyến hiện trạng, nắn chỉnh cục bộ giảm bán kính đường cong, hạ dốc; xây mới thêm 14 cống, đảm bảo tiêu thoát nước thuận lợi...Tuy nhiên, sau đó chỉ tập trung nâng cấp, mở rộng 4km phía bên trong.

Quá trình thi công, có những điểm phải hạ cốt xuống tới 20m, nhưng cũng có đoạn phải đổ đất đắp nền đường sâu tới hàng chục mét. Tổng cộng số đất đá phải đào bới là khoảng 400.000m3, trong khi lượng đắp hơn 100.000m3.

Hơn 2 năm thực hiện, 4 km đường trị giá 290 tỷ đồng vẫn ngổn ngang.

Đến hết năm 2018, đoạn đường 4 km cơ bản thảm xong nền đường, tuy nhiên chỉ sau khi thông xe một thời gian ngắn, nhiều đoạn đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh vào ngày 6.10.2018, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đã yêu cầu thực hiện ngay việc đào xúc dứt điểm khối lượng đất đá tại các vị trí sạt trượt, sau đó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp có trách nhiệm lập phương án xử lý dứt điểm.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư dự án - cho biết: "Lẽ ra con đường đã có thể đưa vào sử dụng, nhưng từ mùa mưa các tháng 6,7,8 năm 2018 đã xảy ra sạt lở. Chúng tôi đã lập phương án báo cáo tỉnh phê duyệt dự án xử lý các đoạn sạt trượt, dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ được phê duyệt. Trước mắt chúng tôi cho dọn dẹp các đoạn đất lở, dự kiến đến 25.1 sẽ thông xe".

Theo tìm hiểu, để thực hiện dự án phát sinh xử lý sạt trượt này, tỉnh Quảng Ninh sẽ phải chi thêm 30 tỷ đồng nữa, nghĩa là tổng chi phí cho 4km lên tới 290 tỉ đồng. "Nếu được phê duyệt, đến hết quý 1 năm 2019 chúng tôi sẽ xử lý xong các điểm sạt trượt" - ông Cường nói.

Ngày 24.1, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã kiểm tra tuyến đường Dốc Đỏ (phường Phương Đông) vào Yên Tử. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP.Uông Bí tăng cường bố trí lực lượng và lắp đặt biển cảnh báo, chỉ dẫn, biển cấm đi vào các đoạn đường không an toàn. Đồng thời, có phương án điều tiết giao thông phù hợp, trong trường hợp lưu lượng giao thông tăng đột biến, cần phân luồng qua các tuyến đường nối với Yên Tử, như Uông Bí - Ngọa Vân, Uông Bí - Hoành Bồ nhằm giảm tải cho tuyến đường chính vào Yên Tử.

Nguyễn Quý

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/doan-duong-dat-do-vao-yen-tu-725-ty-1km-hon-2-nam-van-khong-xong-950912.html