Đoan Hùng phát triển kinh tế trang trại

PTĐT - Vài năm trở lại đây, kinh tế trang trại của huyện Đoan Hùng đã có sự phát triển tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, ngoài việc vận dụng cơ chế chính sách của Nhà nước, Đoan Hùng đã có nhiều biện pháp khuyến khích phù hợp, từ đó trên địa bàn huyện đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình trang trại quy mô lớn, mang tính hiện đại.

Trang trại chăn nuôi khép kín của anh Nguyễn Văn Cường, xã Hợp Nhất có tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đến nay hệ thống chuồng trại đã cơ bản hoàn thành, bước đầu đang đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 20 lao động.

Trang trại chăn nuôi khép kín của anh Nguyễn Văn Cường, xã Hợp Nhất có tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đến nay hệ thống chuồng trại đã cơ bản hoàn thành, bước đầu đang đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 20 lao động.

Vượt cầu Sông Lô, chúng tôi về xã Hợp Nhất (xã mới được thành lập trên cơ sở 3 xã: Hữu Đô, Phú Thứ, Đại Nghĩa trước đây), đến thăm trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH chăn nuôi Hoàng Liên. Trên diện tích khoảng 14ha, trang trại được quy hoạch xây dựng thành các phân khu chăn nuôi trâu, bò, gà, ba ba, cá, đan xen với các khu vực trồng cỏ, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, vừa phủ xanh các triền đồi vừa tăng hệ số sử dụng đất. Tuy mới được đầu tư xây dựng hơn 1 năm nay, song với niềm đam mê nông nghiệp sạch, chủ trang trại- anh Nguyễn Văn Cường đã chi gần 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với quy mô chăn nuôi gần 1.000 trâu, bò sinh sản, vỗ béo; 350 con ba ba bố mẹ,

2-5 vạn gà thịt… Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh vừa củng cố cơ sở vật chất, lắp hệ thống cấp điện, cấp nước, vừa đầu tư mua con giống, biến vùng đồi bạc màu thành mô hình trang trại chăn nuôi khép kín, tận dụng phụ phẩm để nuôi giun quế làm thức ăn cho cá nheo Mỹ, ba ba. Hiện trang trại đã bắt đầu nuôi 85 con trâu bò, 2 vạn gà ri lai, 100 ba ba bố mẹ, hơn 1.000 cá nheo giống, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù đang ở giai đoạn đầu tư, chưa có thu, song khi trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Cường tự tin cho biết: Xác định làm trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, tôi quyết làm với quy mô lớn, ứng dụng KHKT hiện đại vào sản xuất. Quá trình làm, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương nên tôi rất yên tâm, bước đầu tương đối thuận lợi, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt. Theo báo cáo, toàn huyện Đoan Hùng hiện có 47 trang trại ở các loại hình: Chăn nuôi, trồng trọt, tổng hợp; trong đó có 9 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, 5 trang trại đã thực hiện cam kết sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP; có 14/47 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Để hỗ trợ cho các trang trại, huyện đã vận dụng tốt cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch sản xuất các cây, con trọng điểm có thế mạnh của địa phương như cây bưởi đặc sản, cây chè, trồng rừng, hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các trang trại đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích tụ đất đai, huy động nguồn lực đầu tư. Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện các cơ chế ưu đãi phù hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển. Trong 3 năm trở lại đây, đã có hơn 400 lượt hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện được hỗ trợ sản xuất, 3 trang trại được hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi quy mô 100m3 trở lên, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng… Từ đó đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư phát triển loại hình kinh tế trang trại một cách bài bản. Nhiều chủ trang trại không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã năng động, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như điều kiện tự nhiên để thúc đẩy phát triển sản xuất, điển hình như trang trại chăn nuôi khép kín của hộ bà Bùi Thị Ngọc Hiền ở xã Bằng Luân, Lê Thị Hằng ở xã Chân Mộng, ông Hoàng Lâm ở xã Sóc Đăng… có doanh thu cao, lợi nhuận lớn (từ 1 tỷ đồng trở lên). Năm 2019 tổng giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại trên địa bàn huyện Đoan Hùng tăng lên đạt 81,385 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 20,286 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 155 lao động, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm an toàn, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.Thời gian tới, huyện Đoan Hùng đề nghị các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, thông tin thị trường, đào tạo nghề; huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các gia trại, trang trại phát triển sản xuất, đáp ứng các tiêu chí trang trại; khuyến khích người dân thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa theo vùng để tăng tính cạnh tranh; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong chăn nuôi, sẽ tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ khâu xử lý chất thải gắn với bảo vệ môi trường nhằm giúp kinh tế trang trại phát triển bền vững, hiệu quả.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202003/doan-hung-phat-trien-kinh-te-trang-trai-169655