Đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước giàu mạnh

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhờ đoàn kết mà quân dân ta đã đánh thắng mọi kẻ thù, vượt qua gian khó, dựng xây cơ đồ đất nước hôm nay. Vì thế, trong bất luận hoàn cảnh nào, tinh thần đoàn kết cũng phải luôn được đề cao, phát huy. Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2023), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Đồng chí VŨ TIẾN ĐIỀN, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước:

Hòa hợp, hòa giải dân tộc trên tinh thần tôn trọng lịch sử

Đất nước chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Tuy nhiên, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta đã bàn đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đó là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Đây cũng là phương châm, cơ sở để củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; tạo sự đồng lòng, huy động mọi nguồn lực để bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và chân lý. Ngược lại, cần tăng cường giáo dục để người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ lịch sử đấu tranh hào hùng, những hy sinh, mất mát vì mục tiêu độc lập, tự do...

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Bình Phước là địa bàn chiến lược, căn cứ địa của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, là nơi khởi phát Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Những năm tháng ấy, cùng với lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương, đồng bào 41 dân tộc anh em ở Bình Phước đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đóng góp sức người, sức của đùm bọc, che chở, nuôi giấu Bộ đội Cụ Hồ, tham gia nhiều chiến dịch lớn.

Thành công vẻ vang trong kháng chiến là kết quả tất yếu của phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước luôn bám sát, triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, hòa giải, hòa hợp dân tộc, coi đó là động lực, cơ sở để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đặt ra...

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) giúp người dân xã Thanh Phong (Thanh Chương, Nghệ An) thu hoạch sắn chạy lũ, tháng 10-2021. Ảnh: HỮU TÂN

Đồng chí VÕ NGỌC TUYÊN, Bí thư Huyện ủy Lắk, tỉnh Đắk Lắk:

Đoàn kết giúp nhau thoát nghèo

Huyện Lắk có diện tích tự nhiên 1.249,65km2, 17 dân tộc anh em sinh sống với dân số hơn 77.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 63%. Với điều kiện đất đai khô cằn, gần 80% diện tích tự nhiên là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 17% nên xảy ra tình trạng thiếu đất sản xuất, nhiều năm liền huyện Lắk thuộc diện huyện nghèo.

Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, vấn đề củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về “Lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025”. Điểm đáng nói trong thực hiện nghị quyết là kinh phí triển khai không sử dụng ngân sách mà huy động xã hội hóa, trước hết là vận động sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với thôn, buôn đồng bào DTTS, vận động hộ, doanh nghiệp người Kinh có kinh tế khá giả hỗ trợ các hộ người DTTS nghèo.

Bằng cách làm đó, sau hai năm, toàn huyện đã vận động, trao tặng hộ nghèo được hơn 300.000 cây giống, tổng trị giá 6 tỷ đồng, giúp bà con phủ xanh hơn 600ha đất trống. Từ việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, năm 2022, huyện Lắk chính thức thoát khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước...

Thượng tọa THẠCH BONL, Trụ trì chùa Bốn Mặt (Phú Tân, Châu Thành, Sóc Trăng):

Chăm lo cả đạo và đời

Thời gian qua, chùa Bốn Mặt luôn tuân thủ tôn chỉ, mục đích của Phật giáo, các đời trụ trì đều phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Với vai trò của mình, bản thân tôi cũng như Ban quản trị nhà chùa luôn động viên, khích lệ sư sãi, a cha và tín đồ tham gia các hoạt động đạo-đời; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo việc đạo, việc đời, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chư tăng, phật tử, thế hệ trẻ nâng cao trình độ học vấn, bảo tồn tiếng Khmer, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Dâng y cà sa, lễ Sene Dolta, lễ hội Oóc Om Bóc-đua ghe ngo...; tham gia các hoạt động phòng, chống, khắc phục thiên tai, công tác xã hội...

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cũng như những ngôi chùa Phật giáo Nam tông khác, chùa Bốn Mặt luôn đồng hành với địa phương trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các công văn hướng dẫn của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước; vận động phật tử làm các loại bánh với hàng trăm suất để hỗ trợ bà con cách ly y tế tập trung...

Anh ĐẶNG THÀNH HUY, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên:

Đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết

Đoàn viên, thanh niên có vai trò quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhận thức rõ điều này, Tỉnh đoàn Điện Biên đã chỉ đạo các tổ chức đoàn trực thuộc tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; vận động thanh niên tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện có hiệu quả các hoạt động công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện...

Có thể khẳng định, lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh Điện Biên đã trở thành nhân tố tích cực tham gia xóa bỏ các hủ tục trong vùng đồng bào DTTS như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...

Hằng năm, vào ngày 18-11, đoàn thanh niên các cấp đều phối hợp tổ chức hoạt động ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư; thường xuyên vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/doan-ket-dan-toc-de-xay-dung-dat-nuoc-giau-manh-726601