Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng thị trấn Krông Klang phát triển toàn diện

Thị trấn Krông Klang được thành lập theo Nghị định số 08/2004/NĐ-CP, ngày 2/1/2004 của Chính phủ, trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Mò Ó và xã Hướng Hiệp. Có 3 dân tộc hòa thuận sinh sống là: Vân Kiều, Pa Kô, Kinh.

LÊ QUANG THẠCH, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông

Một góc thị trấn Krông Klang - Ảnh: S.T

Từ những ngày đầu thành lập, thị trấn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song được sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát của huyện Đakrông cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần sáng tạo, tự chủ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, trong 20 năm qua, thị trấn Krông Klang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Hệ thống chính trị các cấp được củng cố ngày càng vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, vai trò của mặt trận và các đoàn thể ngày càng được nâng lên. Những thành tựu to lớn đó đã tạo thế và lực mới đưa thị trấn Krông Klang phát triển.

Trên lĩnh vực kinh tế, thị trấn Krông Klang đã tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển, tạo ra một cơ cấu kinh tế đa dạng, đồng đều, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của địa phương. Trong nông nghiệp đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả phù hợp với thế mạnh của địa phương. Diện tích đất trống đồi núi trọc, đất bạc màu trên nương rẫy được thay thế bằng những diện tích rừng trồng, sắn KM94 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích khai hoang trên địa bàn thị trấn trong 20 năm qua là 150 ha.

Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại - dịch vụ (TMDV) ngày càng phát triển đa dạng. Đến nay, toàn thị trấn có 403 cơ sở/hộ sản xuất kinh doanh, tăng 227 cơ sở so với đầu năm 2004; hàng năm tạo việc làm cho khoảng 70-80 lao động, với thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Nếu năm 2004, sản xuất của ngành CN-TTCN, TM-DV có giá trị thấp thì đến nay giá trị của ngành chiếm hơn 70%. Thu ngân sách địa phương tăng hằng năm: năm 2004, tổng thu ngân sách trên địa bàn thị trấn là 56 triệu đồng; năm 2013 đạt hơn 515 triệu đồng và đến năm 2023 đạt hơn 1,1 tỉ đồng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân trong 20 năm đạt trên 12%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 triệu đồng vào năm 2004 tăng lên 8,5 triệu đồng năm 2013 và tăng lên 46 triệu đồng năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng nông - lâm nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế giảm từ 55% xuống còn 29%; tỉ trọng CN, TTCN - XD tăng từ 14% lên 28%; TM-DV tăng từ 31% lên 43%.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thị trấn đã tận dụng tối đa sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp trên, các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN. Năm 2004, với 80% hệ thống đường giao thông liên thôn, khóm; đường giao thông nội khóm chưa được bê tông hóa, đi lại khó khăn, đến năm 2023, có 90% hệ thống đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa.

Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội tính đến cuối năm 2023 ước đạt hơn 130 tỉ đồng; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 96% hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; hơn 92% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Hệ thống trường, lớp học, trạm xá, điện đường được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và khang trang. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư như: tuyến đường Hùng Vương, các tuyến nội thị, điện thắp sáng, nước sinh hoạt...

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô, chất lượng. Tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, xóa mù chữ được duy trì bền vững. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị trường học được đầu tư xây dựng, bổ sung hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa.

Đội ngũ nhà giáo không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; phổ cập giáo dục THCS. Các hoạt động văn hóa xã hội đi vào chiều sâu, tạo dựng được nền tảng phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển đa dạng, rộng khắp.

Đến nay, 100% thôn, bản và cơ quan đơn vị đã phát động xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa; 5/5 khóm được công nhận đơn vị văn hóa, 3 đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa xuất sắc, 85% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân.

Công tác giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo được quan tâm đúng mức. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình vùng Đakrông... hằng năm đã tạo việc làm cho khoảng 70-80 lao động; số lao động tham gia xuất khẩu lao động trong 20 năm qua là hơn 70 người. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của thị trấn từ 60% năm 2004, đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 16,31%. Bình quân mỗi năm giảm 3,5%.

Sự nghiệp y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Công tác DSKHHGĐ thực hiện đạt hiệu quả cao. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, QP-AN đảm bảo. Khối đoàn kết dân tộc tiếp tục được tăng cường, phát huy gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã động viên các tầng lớp nhân dân, các dân tộc chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng sâu sắc hơn.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ thị trấn Krông Klang xác định trong 5 năm tới tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp, ngành nghề, thương mại, dịch vụ. Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đoàn kết, đổi mới, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KTXH, QP-AN đưa thị trấn phát triển toàn diện và bền vững.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Krông Klang đã vượt lên nhiều khó khăn, thử thách làm thay đổi diện mạo của quê hương. Phát huy những kết quả đạt được, thị trấn Krông Klang tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, huy động sức dân, chung tay xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng Krông Klang phát triển toàn diện, vững bước đi tới tương lai.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/doan-ket-sang-tao-xay-dung-thi-tran-krong-klang-phat-trien-toan-dien/182422.htm