Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND tỉnh Lào Cai

Chiều 26.4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2023. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, địa hình khá phong phú, khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng, được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như khu Hàm Rồng, đỉnh Fansipan hùng vĩ - nóc nhà Đông Dương, là bảo tàng sống về động vật, thực vật đặc hữu...

Trên địa bàn tỉnh có 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,7% dân số. Sự đa dạng các dân tộc thiểu số đã tạo nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa thể hiện cả ở văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều giá trị di sản văn hóa dân tộc còn được lưu giữ, đặc biệt là nhóm dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, Xá Phó... là đặc điểm nổi bật, riêng có của Lào Cai so với các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại cuộc làm việc

Lào Cai cũng khá phong phú về loại hình di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ... Đến hết 2022, tỉnh có 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều bản làng có bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc đang trở thành các điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế như bản Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa... (Sa Pa); Na Lo, Bản Phố, Trung Đô… (Bắc Hà); Bản Mế, Cán Cấu… (Si Ma Cai); Mường Hum, Y Tý… (Bát Xát). Ngoài ra còn có nhiều nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống... của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tất cả là nguồn tài nguyên quan trọng để khai thác tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thu hút khách du lịch đến Lào Cai. Có thể kể đến: giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, giải Marathon vượt núi quốc tế (VMM), giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa, lễ hội 4 mùa, lễ hội trên mây Sa Pa, Festival Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai, Sa Pa lặng lẽ yêu (The Mong Show)... Tỉnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại thành phố Lào Cai và các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn, Sa Pa, hình thành tuyến du lịch tâm linh...

Toàn cảnh cuộc làm việc

Đoàn khảo sát ghi nhận sự quan tâm đầu tư của Lào Cai đối với lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch, thể hiện qua các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh và các văn bản chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh; qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ đắc lực cho ngành du lịch. Nhiều điểm du lịch, sản phẩm du lịch của Lào Cai đã có thương hiệu đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn khảo sát cũng cho rằng, tiềm năng, dư địa phát triển của Lào Cai còn rất lớn, cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. “Không được thỏa mãn với các kết quả đã đạt được. Dù khó khăn, vẫn phải ưu tiên nguồn lực, tạo ra đột phá trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh.

Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh Lào Cai tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, có chính sách đặc thù để tăng đầu tư cho văn hóa, du lịch. Chú ý bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có trang phục truyền thống. Có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân, bởi đây là những người lưu giữ, truyền dạy các tri thức dân gian, di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Đặc biệt, cần sớm triển khai phương án trưng bày thường xuyên của Bảo tàng tỉnh Lào Cai...

Đoàn khảo sát thăm Bảo tàng tỉnh Lào Cai

Đối với lĩnh vực du lịch, cần cơ cấu lại thị trường khách, ưu tiên các thị trường trọng điểm có khả năng chi tiêu cao. Đề cao tính an toàn, bền vững của điểm đến, tránh để bị quá tải. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hơn, đặc sắc hơn, duy trì được tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch địa phương. Trong phát triển du lịch cộng đồng, cần tôn trọng phong tục, tập quán trong đồng bào, có cơ chế để người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng...

Sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát đã đến thăm và làm việc với Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-khao-sat-cua-uy-ban-van-hoa-giao-duc-lam-viec-voi-ubnd-tinh-lao-cai-i325730/