Đoàn lô tô Sài Gòn: 'lột xác' nghệ thuật lô tô

Làm sao để lô tô văn minh, văn hóa hơn, đừng bị chê là rẻ tiền, bóng gió ưỡn ẹo, nói tục nói bậy… khi mà lô tô vẫn còn chưa được công nhận là một loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp?

Hơn một năm qua, tự nhiên trò chơi lô tô vốn chỉ có ở các hội chợ tại những vùng sâu, vùng xa bỗng rộ lên khắp TP.HCM, nhất là ở những quận trung tâm, quán bar, phòng trà, quán cà phê và cả những sự kiện quảng cáo, thương mại... Góp phần lớn để lô tô lấn vào trung tâm TP.HCM hoa lệ như thế là sự thành công của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời dưới sự điều hành của Lâm Lộ Lộ.

Bỏ giảng viên, giả gái làm lô tô

Lâm Lộ Lộ tên thật là Lâm Quốc Khải, sinh năm 1988, tốt nghiệp á khoa ngành mỹ thuật công nghiệp ĐH Văn Lang. Quốc Khải đã có vợ, hai con, nhiều năm làm thiết kế cho các doanh nghiệp lớn và có ba năm làm giảng viên dạy đồ họa ở Trường CĐ Văn hóa để nuôi vợ con. Vậy nhưng khát khao làm nghệ sĩ trong Quốc Khải chưa bao giờ ngừng thôi thúc. Anh làm mọi thứ để có thể thỏa đam mê được đứng trên sân khấu hát, diễn. Tuy nhiên, cùng lắm Quốc Khải chỉ được đóng vai quần chúng, hỗ trợ người khác thi game show dù có giọng hát ngọt ngào. Vậy nên thành công với lô tô, Quốc Khải nói mình được tổ chọn. Có hiểu biết, có khả năng quản lý, Quốc Khải đã mạnh dạn nhận làm chương trình diễn lô tô hằng tuần ở khu vui chơi Rubik tại Thảo Cầm Viên. Có khả năng về mỹ thuật, Quốc Khải thiết kế nhiều trang phục hóa trang theo nhiều chủ đề khác nhau như cổ trang Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... Cộng thêm kiến thức hiểu biết, khả năng tổ chức, các đêm diễn lô tô của Sài Gòn Tân Thời luôn khác nhau, mới mẻ. Thêm vào đó Quốc Khải khuyến khích các diễn viên trẻ đưa thêm nhiều hình thức biểu diễn sôi động như nhạc trẻ, hài, nhảy múa vào hô lô tô khiến sân khấu hô lô tô thêm sinh động. Dần dần nhiều diễn viên hô lô tô lâu năm với cách hô lô tô truyền thống cũng về đây biểu diễn. Những nghệ sĩ trẻ có tiếng như Minh Dũng, Dương Thanh Vàng... cũng về cộng tác.

Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: HB

Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: HB

Ước mơ lô tô trở thành nghệ thuật được công nhận

Trước đây sân khấu Rubik chỉ dành cho ca nhạc nhưng không thu hút được người xem nhiều. Từ khi Quốc Khải về làm lô tô tại đây, sân khấu luôn trở nên quá tải, bạn trẻ, khán giả đổ về đông nghịt khi có buổi diễn. Nơi đây trở thành sân khấu có biểu diễn lô tô định kỳ hằng tuần như các sân khấu kịch đầu tiên ở trung tâm TP.HCM hơn một năm qua, cũng có thể là duy nhất của cả nước. Các giải thưởng lô tô ở đây cũng không quá mang tính ăn thua cờ bạc, kích thích lòng tham. Bạn trẻ, khán giả chủ yếu đến xem hình thức biểu diễn giải trí phong phú hài, ca nhạc, cải lương, hát múa... lồng vào hình thức hô lô tô truyền thống với câu rao “Cờ ra con mấy, con mấy cờ ra” gợi nhớ một đời sống dân dã Nam bộ một thời với các hội chợ dịp lễ, Tết.

Thành công của lô tô Sài Gòn Tân Thời đã thúc đẩy phát sinh thêm nhiều điểm diễn lô tô như một hình thức biểu diễn giải trí. Một số quán bar, phòng trà, quán cà phê đã đưa hô lô tô vào chương trình biểu diễn của mình giống của một tiết mục hài hay ca nhạc vậy. Nhiều sự kiện hội nghị khách hàng, nhiều hội chợ thương mại cũng mời Sài Gòn Tân Thời đến trình diễn hô lô tô thay cho các ca sĩ, nghệ sĩ đến biểu diễn văn nghệ.

Quốc Khải đã lý giải sự thành công của Sài Gòn Tân Thời do mình biết xây dựng các đêm hô lô tô thành một buổi biểu diễn có nội dung, chủ đề, có đầu tư về phục trang, hóa trang, có kết hợp cách hô lô tô truyền thống và nhiều hình thức mới chứ không tùy tiện ai biết gì diễn nấy. Theo Quốc Khải, quan trọng nhất là mình đã giữ cho diễn viên của lô tô Sài Gòn Tân Thời trình diễn có ý thức, không nói năng dung tục, ăn mặc hở hang trên sân khấu. Quốc Khải bày tỏ ước mơ được thấy lô tô được công nhận là một loại hình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như các loại hình ca múa nhạc, kịch, cải lương... Quốc Khải nói mình đau lòng khi thấy lô tô bị khinh rẻ là loại hình biểu diễn nghiệp dư tự phát dành cho những người “bóng gió”, ăn mặc hở hang, nói năng dung tục trên sân khấu,...

Quốc Khải đang xây dựng Sài Gòn Tân Thời thành một hình ảnh lô tô sang trọng, văn minh, hiện đại mà vẫn giữ nét truyền thống để có thể diễn lô tô cho người nước ngoài xem, phục vụ khách du lịch. Anh cũng tiết lộ đang âm thầm thu thập tài liệu về lô tô để làm thành một bộ hồ sơ về lô tô Nam bộ gửi Sở VH&TT TP.HCM công nhận lô tô là một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian. Quốc Khải nói trước đây nghề người mẫu cũng có được công nhận như hiện nay đâu nên hoài bão lô tô Nam bộ của anh có thật nhiều hy vọng.

Từng có quá khứ vàng son

Lô tô xuất phát từ trò chơi Bingo ở các hội chợ dân gian tại các nước phương Tây du nhập vào Việt Nam thời Pháp thuộc. Dần dần trò chơi này được Việt hóa thành trò chơi lô tô. Người rao thêm vào trước con số được hô những câu thơ ca, hò vè, văn vần rồi hát, diễn nhạc bolero, các điệu lý, bài bản cải lương... Thập niên 2000-2010, cải lương, ca nhạc suy thoái ở các tỉnh miền Tây nhưng loại hình lô tô lại phát triển mạnh với các ông bà bầu làm đoàn lớn lưu diễn khắp nơi. Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng hàng đầu lúc bấy giờ thường xuyên hát tăng cường cho các đoàn lô tô như Lệ Thủy, Minh Vương, Vũ Linh, Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly...

Trong những tranh luận về việc lô tô có phi nghệ thuật hay không, nghệ sĩ tên tuổi có nên trình diễn cho các đoàn lô tô hay không, các nghệ sĩ như Minh Vương, Lệ Thủy... đã cho ý kiến: Khi mà các đoàn cải lương “chết” hết thì chỉ còn các đoàn lô tô sống mà còn sống khỏe. Những đoàn như vậy đã nuôi sống không ít nghệ sĩ. Vậy thì cần phải hỏi tại sao khán giả lại chấp nhận lô tô và xem lô tô, còn đoàn hát thì không đi xem?!

HÒA BÌNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/doan-lo-to-sai-gon-lot-xac-nghe-thuat-lo-to-823320.html