Đoạn trích độc quyền từ quyển hồi ký của Michelle Obama: Tình yêu của người mẹ

Bà Obama nhận ra rằng chính sự hiện diện đầy khích lệ và 'trầm ổn' của người mẹ đã tạo khoảng trống để cô gái Michelle có thể 'đơn giản là chính mình'.

Trong quyển hồi ký của mình, cựu Đệ nhất phu nhân viết về tình yêu của mẹ bà.

Khi Michelle Obama lần đầu công bố về việc xuất bản quyển hồi ký Becoming (bản dịch tiếng Việt có tựa đề Chất Michelle), bà hứa sẽ cởi mở về nguồn gốc xuất thân của mình – “và bằng cách nào một cô bé từ Bờ Nam của thành phố Chicago đã tìm được tiếng nói của mình và phát triển sức mạnh đó, cũng như sử dụng nó để tiếp sức cho người khác”.

Trong đoạn trích do DoanhnhanPlus chọn, chúng ta có thể nhìn vào điều quan trọng – người quan trọng – đã trao cho cô gái trẻ đó sự duyên dáng, sức thu hút để một ngày kia trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên đảm nhận cương vị Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ.

Phu nhân Obama giải thích rằng khi bà lớn lên ở Bờ Nam của Chicago, những lúc tập trung vào trường lớp, bạn bè và những sự kiện, bà luôn có một người đồng hành để hoàn toàn tin cậy: đó chính là mẹ của Michelle, bà Marian Robinson.

Bà Obama nhận ra rằng chính sự hiện diện đầy khích lệ và “trầm ổn” của người mẹ đã tạo khoảng trống để cô gái Michelle có thể “đơn giản là chính mình”.

***

Dưới đây là đoạn trích từ cuốn Chất Michelle:

Ở trường, chúng tôi có một tiếng nghỉ giải lao để dùng bữa trưa. Vì mẹ không đi làm và căn hộ của chúng tôi rất gần trường nên tôi thường đi bộ về nhà cùng bốn hay năm đứa con gái khác.

Trên đường về, chúng tôi sẽ nói chuyện không ngừng và chuẩn bị về đến nhà là nằm ườn trên sàn bếp để chơi trò chụp banh jacks(1) và xem bộ phim nhiều tập All my Children trên tivi trong lúc mẹ tôi phát cho mấy ổ bánh mì kẹp. Với tôi, chuyện này đã trở thành một thói quen mà tôi duy trì đến tận bây giờ, đó là luôn có một nhóm bạn gái thân thiết và yêu đời để có thể chia sẻ những chuyện-con-gái với nhau.

Trong lúc ăn trưa, chúng tôi sẽ bàn tán bất kỳ chuyện gì đã diễn ra ở trường vào sáng hôm đó, những lời than vãn về thầy cô của mình, hay bất cứ bài tập nào mà chúng tôi cảm thấy chẳng mang lại ích lợi gì.

Quan điểm của chúng tôi chủ yếu hình thành từ quan điểm chung của cả nhóm. Chúng tôi tôn thờ nhóm nhạc The Jackson 5 và không biết nói sao về nhóm nhạc nhà Osmonds.

Vụ bê bối Watergate đã xảy ra và chúng tôi không hiểu gì về nó. Dường như có rất nhiều người lớn đang nói vào micro ở Washington, D.C., nơi mà đối với chúng tôi chỉ là một thành phố xa xôi đầy những tòa nhà màu trắng và người da trắng.

Trong khi đó, mẹ tôi rất vui vì được “phục vụ” chúng tôi. Việc đó giúp bà dễ dàng tiếp cận thế giới của chúng tôi. Khi chúng tôi ăn trưa và tán gẫu, bà thường yên lặng đứng cạnh bên, vẫn làm việc nhà nhưng không hề che giấu chuyện mình đang lắng nghe từng chữ một. Dù sao thì chúng tôi cũng không có không gian riêng tư khi cả nhà bốn người phải sống gói gọn trong 80 mét vuông.

Chỉ thỉnh thoảng điều đó mới trở thành vấn đề. Chẳng hạn như từ lúc đột nhiên có hứng thú với đám con gái, anh Craig đã phải chuồn vào nhà tắm để nghe điện thoại, khi đó dây điện thoại xoắn tít sẽ bị kéo căng từ vách tường trong bếp và giăng ngang qua hành lang trong nhà.

Trong số những ngôi trường ở Chicago, Bryn Mawr nằm đâu đó giữa mức “trường dở” và “trường giỏi”.

Sự phân biệt về chủng tộc và kinh tế ở khu South Shore tiếp tục diễn ra suốt những năm 1970, đồng nghĩa với lượng học sinh da đen và học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm một tăng.

Từng có cả một phong trào toàn thành kêu gọi đưa đón học sinh từ vùng này sang học trường mới ở vùng khác nhằm thúc đẩy hòa hợp sắc tộc, nhưng những bậc phụ huynh ở Bryn Mawr đã đấu tranh thành công, với lập luận rằng số tiền đó nên được dùng vào việc cải thiện trường lớp.

Là trẻ con, tôi không biết điều nào có ảnh hưởng hơn – cơ sở vật chất xuống cấp hay việc gần như không còn đứa trẻ da trắng nào theo học ở trường.

Trường Bryn Mawr dạy từ mẫu giáo đến lớp 8, đồng nghĩa với việc khi lên đến các lớp trên thì tôi đã biết rõ từng công tắc bóng đèn, từng tấm bảng và từng vết trám tường ở hành lang. Tôi biết gần như tất cả các thầy cô và quen mặt hết đám học sinh. Với tôi, Bryn Mawr đúng là phiên bản mở rộng của nhà mình.

Năm tôi vào lớp 7, tuần báo phổ biến đối với độc giả Mỹ gốc Phi Chicago Defender đã đăng một ý kiến cay độc cho rằng chỉ trong vòng vài năm, Bryn Mawr đã tuột dốc từ một trong những trường công tốt nhất Chicago thành một “ổ chuột rách nát” được điều hành bởi một “tư duy ổ chuột”.

Hiệu trưởng của trường, Tiến sĩ Lavizzo, lập tức phản pháo bằng một lá thư gửi đến biên tập viên của tờ báo. Ông bảo vệ cộng đồng phụ huynh và học sinh của mình, nhận định bài viết đó là “một lời nói dối trắng trợn, dường như được viết ra chỉ để gieo rắc cảm giác thất bại và khiến người ta muốn trốn chạy”.

Khi liên tục bị gieo vào đầu cảm giác thất bại thì người ta sẽ thất bại thật.

Tiến sĩ Lavizzo có vóc người mập mạp, vui tính, mái tóc Afro xoăn rậm phồng lên ở hai bên vùng đầu hói và là người dành phần lớn thời gian ở trong văn phòng gần cổng trước của trường.

Qua bức thư đó, có thể thấy rõ là ông biết chính xác mình đang chống lại điều gì. Ông biết là khi liên tục bị gieo vào đầu cảm giác thất bại thì người ta sẽ thất bại thật.

Cảm giác đó bắt nguồn từ sự tự nghi ngờ bản thân, và sau đó, thường là cố tình, được đẩy lên cao bởi nỗi sợ.

Những “cảm giác thất bại” mà ông đề cập đã hiện diện ở khắp nơi trong khu phố tôi sống, ở những bậc cha mẹ không thể cải thiện thu nhập, ở những đứa trẻ bắt đầu ngờ rằng cuộc sống của chúng sẽ không khác gì hơn, ở các gia đình đang chứng kiến những người hàng xóm dư dả của mình chuyển đến vùng ngoại ô hoặc chuyển con cái của họ sang học tại các trường Công giáo.

Những tay môi giới nhà đất bắt đầu rảo khắp South Shore để săn mồi, rỉ tai dụ các chủ nhà nơi đây hãy bán nhà trước khi quá muộn, rằng họ sẽ giúp gia chủ thoát ra khi còn có thể.

Ý của những tay môi giới đó là ngày tàn đang đến, ngày đó là không thể tránh khỏi và nó đã đến rất gần rồi. Bạn có thể để mình mắc kẹt giữa đống đổ nát, hoặc bạn có thể tránh được cảnh đó. Người ta dùng cái từ mà ai cũng dè chừng – “ổ chuột” – như một mồi lửa thả vào đám dầu đang sôi sục.

Mẹ tôi không quan tâm những chuyện này. Bà đã sống tại South Shore 10 năm, và sẽ còn sống thêm 40 năm nữa ở đây. Bà không tin những kẻ gieo rắc hoang mang, đồng thời cũng có vẻ miễn nhiễm đối với bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa lý tưởng tốt-đẹp-nhưng-phi-thực-tế.

Bà là người thực tế điển hình. Bà sẽ kiểm soát những gì mình có thể kiểm soát. Ở Bryn Mawr, bà trở thành một trong những thành viên năng nổ nhất của Hội phụ huynh học sinh và giáo viên.

Bà luôn hăng hái hỗ trợ gây quỹ mua trang thiết bị mới cho lớp học, tổ chức những bữa tối tri ân giáo viên và vận động thành lập một lớp đa cấp học chuyên biệt cho học sinh có thành tích xuất sắc.

Lớp đa cấp học này là ý tưởng của Tiến sĩ Lavizzo, người đã học ca tối để hoàn tất chương trình tiến sĩ giáo dục và nghiên cứu xu hướng mới về việc phân nhóm học sinh theo năng lực thay vì độ tuổi – về cơ bản là xếp những đứa trẻ sáng dạ chung một nhóm để chúng có thể học nhanh hơn.

Và cũng giống đa số những đứa trẻ khác, khi chơi bất kỳ trò chơi nào khác, tôi hạnh phúc nhất khi dẫn đầu.

Ý tưởng này đã gây nhiều tranh cãi và bị chỉ trích là không dân chủ – cũng như bất kỳ chương trình “chuyên và năng khiếu” nào khác. Nhưng đồng thời ý tưởng này cũng nhận được sự ủng hộ như một phong trào cải cách trên khắp nước Mỹ, và tôi chính là người hưởng lợi từ nó trong suốt ba năm cuối ở trường Bryn Mawr.

Tôi gia nhập một nhóm khoảng 20 học sinh đến từ nhiều cấp lớp khác nhau, học trong một lớp riêng biệt và có thời khóa biểu riêng cho giờ giải lao, ăn trưa, lớp âm nhạc và thể dục.

Chúng tôi được trao những cơ hội đặc biệt, bao gồm những chuyến đi hằng tuần đến một trường cao đẳng cộng đồng để tham gia khóa dạy viết nâng cao hoặc giải phẫu chuột trong phòng thí nghiệm sinh học.

Còn ở lớp học, chúng tôi thực hiện rất nhiều bài tự học, tự đặt ra mục tiêu riêng và có thể học theo bất kỳ nhịp độ nào mà mình cảm thấy thích hợp nhất.

Chúng tôi có những giáo viên tận tâm, đầu tiên là thầy Martinez và sau đó là thầy Bennett, cả hai đều là những người Mỹ gốc Phi lịch thiệp và hóm hỉnh, luôn tập trung lắng nghe ý kiến của học sinh. Rõ ràng nhà trường đã đầu tư cho chúng tôi, và tôi nghĩ chính điều này đã khiến tất cả chúng tôi cố gắng nhiều hơn và cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn.

Hình thức tự học càng châm lửa cho tính ưa cạnh tranh của tôi. Tôi học bằng hết các bài học và âm thầm theo dõi thứ hạng của mình so với các bạn trong lớp – từ lúc học cách làm phép chia trên giấy cho đến khi học môn đại số căn bản, từ lúc học viết những đoạn văn đơn cho đến khi hí hoáy các bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

Đối với tôi, chuyện này giống như một trò chơi. Và cũng giống đa số những đứa trẻ khác, khi chơi bất kỳ trò chơi nào khác, tôi hạnh phúc nhất khi dẫn đầu.

Tôi kể mẹ nghe mọi chuyện xảy ra ở trường. Bà được “cập nhật tin tức” một lần vào buổi trưa và sau đó là một lần nữa vào buổi chiều, khi tôi lao vào nhà và vội kể ngay với bà trong lúc quẳng cặp xuống sàn và lục lạo đồ ăn vặt.

Tôi nhận ra mình không biết chính xác là mẹ làm gì trong lúc hai anh em tôi đi học, chủ yếu là vì tôi chưa bao giờ hỏi. Tôi không biết bà nghĩ gì và cảm thấy ra sao khi trở thành một người nội trợ truyền thống thay vì làm một công việc khác.

Tôi chỉ biết mỗi khi tôi về nhà thì sẽ có thức ăn trong tủ lạnh, không chỉ cho riêng tôi mà còn cho bạn bè của tôi nữa.

Tôi biết khi lớp sắp có chuyến tham quan, mẹ luôn xung phong tham gia làm người hướng dẫn, diện bộ đầm xinh xắn và son môi sẫm màu, cùng ngồi xe với chúng tôi để đến thăm trường cao đẳng cộng đồng hoặc sở thú.

Ở nhà, chúng tôi sống tiết kiệm nhưng không thường nhắc đến hạn mức chi tiêu. Mẹ luôn có cách để cân đối. Bà tự làm móng, tự nhuộm tóc (từng có lần bà vô tình nhuộm tóc thành màu xanh lá), và chỉ có quần áo mới khi cha tôi mua tặng bà nhân dịp sinh nhật. Bà chưa bao giờ giàu có, nhưng bà rất khéo tay.

Hồi chúng tôi còn bé, bà đã biến những chiếc vớ cũ trở thành những con rối trông y hệt những nhân vật trong loạt phim hoạt hình The Muppets(2). Bà tự móc khăn trải bàn. Bà tự may rất nhiều quần áo cho tôi, ít nhất là đến khi tôi vào trung học và kiên quyết đề nghị bà đừng may đồ cho tôi nữa, vì lúc này bỗng nhiên việc có được một chiếc quần jeans thêu ký hiệu thiên nga của Gloria Vanderbilt(3) ở túi trước có ý nghĩa hơn hết thảy mọi thứ.

Nhờ mẹ mà đến tận hôm nay, cứ mỗi lần nghe thấy mùi hương nước tẩy rửa Pine-Sol, tôi sẽ bất giác thấy cuộc đời trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.

Thỉnh thoảng mẹ thay đổi cách bài trí phòng khách, trải tấm phủ mới lên sofa, đổi các tấm ảnh và tranh treo tường khác.

Khi thời tiết ấm lên, bà sẽ tổng vệ sinh nhà cửa để đón xuân như một nghi thức hàng năm mà trong đó bà sẽ “tấn công” trên mọi mặt trận, từ hút bụi, giặt màn cửa và tháo hết các cánh cửa chống bão xuống để lau chùi rồi thay chúng bằng cửa lưới để không khí mùa xuân có thể tràn vào căn hộ nhỏ bé và chật chội của chúng tôi.

Sau đó bà sẽ xuống căn hộ của ông bà Robbie và Terry để dọn dẹp cho họ, đặc biệt là khi họ đã cao tuổi và không còn đủ sức. Nhờ mẹ mà đến tận hôm nay, cứ mỗi lần nghe thấy mùi hương nước tẩy rửa Pine-Sol, tôi sẽ bất giác thấy cuộc đời trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Đến mùa Giáng sinh, mẹ càng trở nên đặc biệt sáng tạo.

Một năm nọ, bà nghĩ ra cách bọc giàn sưởi của chúng tôi bằng giấy bìa cứng có in hình những viên gạch đỏ, rồi bà tiếp tục dùng bìa cứng làm một ống khói giả, bắt lên trần nhà và một cái lò sưởi giả, sau đó trang trí lò sưởi giả đó như thật.

Rồi bà yêu cầu cha tôi – một nghệ sĩ tại gia – vẽ những đốm lửa màu cam trên giấy mỏng, để khi rọi đèn từ đằng sau thì sẽ tạo cảm giác khá giống những ngọn lửa thật.

Vào đêm Giao thừa, như một truyền thống gia đình, bà sẽ sắm một giỏ quà đặc biệt đựng đầy các viên phô mai đủ loại, hàu hun khói đóng hộp và nhiều loại xúc xích salami khác nhau. Bà sẽ mời cô út Francesca đến nhà để cùng chơi board game.

Chúng tôi gọi pizza cho bữa tối rồi ăn lai rai đến hết ngày. Mẹ tôi sẽ bưng ra các khay bánh cuộn xúc xích, tôm chiên và bánh Ritz phủ phô mai đặc biệt. Khi gần đến Giao thừa, mỗi người chúng tôi sẽ có một ly sâm-banh nhỏ.

Mẹ tôi có lối tư duy dạy con mà giờ đây tôi mới nhận ra là thật khác thường và hầu như ít có phụ huynh nào làm được – nó trung lập và mang tính điềm tĩnh đậm chất thiền.

Tôi có những người bạn mà tâm trạng của mẹ họ cứ trồi lên sụt xuống theo những vấn đề của con cái, như thể đó là vấn đề của chính mình, và tôi biết nhiều đứa trẻ có cha mẹ bị quá tải với những khó khăn của bản thân nên gần như không để tâm nhiều đến con cái.

Mẹ tôi chỉ đơn giản là trầm ổn. Bà không vội phán xét cũng không vội hòa giải.

Ngược lại, bà dõi theo tâm trạng của hai anh em chúng tôi và điềm tĩnh chứng kiến mọi khó khăn và những gì chúng tôi đạt được trong ngày. Khi chuyện trở nên tồi tệ, bà chỉ an ủi chúng tôi một chút. Khi anh em tôi làm được chuyện gì đó ra trò, mẹ cũng chỉ khen ngợi vừa đủ để chúng tôi biết là bà đang hài lòng, chứ bà không bao giờ khen quá lời đến mức biến lời khen trở thành động lực để chúng tôi làm hay không làm một việc nào đó. Lời khuyên của bà, nếu có, thường là kiểu lời khuyên vừa thực tế vừa cứng rắn.

“Con không cần phải thích giáo viên của con”, bà nói khi nghe tôi càu nhàu. “Nhưng cô giáo đó có những kiến thức toán học mà con cần. Hãy tập trung vào chuyện đó và bỏ qua những chuyện râu ria khác”.

Dù rất yêu thương anh Craig và tôi, nhưng bà không bao giờ bảo bọc thái quá. Mục tiêu của bà là đẩy chúng tôi ra thế giới bên ngoài. “Mẹ không nuôi dạy trẻ con”, bà nói với anh em chúng tôi. “Mẹ đang nuôi dạy người trưởng thành”.

Cha mẹ tôi thường đưa ra các hướng dẫn chứ không phải là các quy tắc. Điều đó có nghĩa là hồi còn là những đứa trẻ vị thành niên, chúng tôi chưa bao giờ có giờ giới nghiêm.

Thay vào đó, họ sẽ hỏi, “Con về nhà vào lúc nào là hợp lý?” và rồi tin tưởng chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa.

Có một lần, anh Craig kể chuyện về cô gái mà anh ấy thích hồi lớp 8 và chuyện một ngày nọ cô ấy mở lời mời mọc anh ấy sang nhà chơi, cố tình nhấn mạnh là cha mẹ của cô ấy không có ở nhà và như vậy thì cả hai sẽ được thoải mái bên nhau.

Sau đó anh đã khổ sở giằng co giữa việc đi hay không đi; anh bị kích thích bởi cơ hội có được, nhưng cũng biết chuyện đó là vụng trộm và đáng hổ thẹn, là kiểu hành vi mà cha mẹ tôi sẽ không bao giờ chấp nhận.

Lúc đó anh có kể với mẹ tôi một nửa sự thật, tức là anh cho bà biết về cô bạn kia nhưng lại nói rằng cả hai sẽ gặp nhau ở công viên. Nhưng rồi có lẽ là do có chút cắn rứt lương tâm, sau cùng anh Craig đã thú nhận với mẹ tôi toàn bộ kế hoạch kia với hy vọng mẹ sẽ tức giận và cấm anh đi. Nhưng không, mẹ không nổi giận. Đó không phải là cách của mẹ.

Bà lắng nghe, nhưng không tháo dỡ gánh nặng lựa chọn cho anh Craig. Trái lại, mẹ trả lại anh ấy sự giằng co bằng một cái nhún vai. “Hãy xử lý theo cách mà con nghĩ là tốt nhất”, bà nói trước khi quay lại với đống chén đĩa trong chậu hoặc mớ quần áo cần được xếp vào tủ.

Đó là một cú hích nhẹ để đẩy chúng tôi đến gần với thực tế. Tôi chắc chắn trong thâm tâm mẹ đã biết anh Craig sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Bây giờ tôi nhận ra mỗi quyết định của bà đều được củng cố bởi một niềm tin thầm lặng là bà đã nuôi dạy hai anh em chúng tôi thành người trưởng thành. Chúng tôi là người quyết định.

Đây là cuộc đời của chúng tôi, không phải của bà, và sẽ luôn như vậy.

Theresa Mai

______________

(1) Trò chụp banh jacks: trò chơi gồm có nhiều miếng nhựa hoặc miếng kim loại lục giác và một quả banh. Người chơi cứ tung banh lên thì nhặt một miếng nhựa để vừa cầm vừa chụp banh. Ai cầm được nhiều miếng nhựa nhất thì thắng cuộc.

(2) The Muppets: một bộ phim thiếu nhi của hãng Walt Disney, có tựa tiếng Việt là “Đại nhạc hội rối”.

(3) Gloria Vanderbilt (1924): nghệ sĩ, diễn viên, tác giả, nhà thiết kế nổi tiếng người Mỹ. Bà cũng là người thừa kế của dòng họ Vanderbilt ở New York và là người giao thiệp rộng trong giới tinh hoa Mỹ.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/doan-trich-doc-quyen-tu-quyen-hoi-ky-cua-michelle-obama-tinh-yeu-cua-nguoi-me-19752.html