'Đoạn trường' thanh toán tiền bảo hiểm y tế của người dân: BHXH tỉnh Hà Tĩnh nói gì?

Về việc người bệnh Hà Tĩnh đi khám chữa bệnh thông tuyến tại Nghệ An phải nộp 100% tiền cho bệnh viện, đại diện BHXH Hà Tĩnh thừa nhận quy định nói trên gây khó khăn cho người dân, nhưng vẫn khẳng định đúng luật.

Người dân đi khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: PV

Người dân đi khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: PV

Ông M.S.T, trú TP Vinh (Nghệ An), nhưng công tác và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế (BHYT) tại Hà Tĩnh.

Tháng 4.2018, ông M.T.S điều trị một thời gian tại khoa Y học cổ truyền Bệnh viện đa khoa TP Vinh, chi phí điều trị hết 4 triệu đồng. Theo quy định của Luật BHYT, bệnh nhân chỉ phải trả phần chi phí % theo quy định cho bệnh viện, còn lại bệnh viện sẽ làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHYT. Tuy nhiên, ông M.S.T phải nộp 100% số tiền cho bệnh viện.

Để được hưởng chính sách BHYT, ông M.S.T phải đến cơ quan BHXH tại Hà Tĩnh nộp hồ sơ, chứng từ. Ngày 3.5.2018, ông M.S.T nộp hồ sơ, và theo kế hoạch của cơ quan này, kết quả sẽ có vào ngày 28.6, nghĩa là sau gần 2 tháng. “Tôi là cán bộ nhà nước, giờ hành chính không thể bỏ nhiệm sở, nên rất khổ và mất thời gian khi lấy tiền chữa bệnh”, ông MST than thở.

Có những trường hợp hồ sơ sai sót, người dân lại phải đi lại một lần nữa để bổ sung.

Ngày 23.5, làm việc với PV, ông Võ Viết Quang - Trưởng Phòng Giám định BHXH Hà Tĩnh cho biết, việc triển khai quy định nói trên là thực hiện theo Công văn 3005 ngày 19.7.2017 của BHXH Việt Nam. "Sau khi triển khai, do có nhiều ý kiến phản ánh nên chúng tôi đã tham gia họp để giải quyết. Gần đây nhất là ngày 6.12.2017, đại diện Bộ Y tế vẫn khẳng định quy định nói trên đúng luật", ông Quang nói.

Cụ thể, khoản 4, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi quy định người bệnh khám chữa bệnh thông tuyến huyện trong địa bàn tỉnh được thanh toán 100%; nhưng tại điểm c, khoản 3 Điều 22 lại không quy định cụ thể. Do đó, khi hướng dẫn thực hiện, các địa phương đều vận dụng theo hướng thông tuyến huyện trên toàn quốc.

Ông Quang thừa nhận quy định nói trên là cá biệt, chỉ mới áp dụng ở Hà Tĩnh, và thực tế có gây khó khăn cho người dân, ngành BHXH tốn kém thời gian, nhân lực.

Bất cập nữa là số tiền thanh toán lại cho người bệnh thường bị cắt giảm do bệnh viện thu không đúng giá định mức. "Tuy nhiên, quy định nói trên cũng hạn chế được những người không có bệnh thực sự nhưng vẫn đi khám chữa bệnh", ông Quang nói. Hiện nay, thời hạn giải quyết trả tiền cho dân cũng rút ngắn xuống còn từ 3-5 ngày.

Theo số liệu tổng hợp, sau khi áp dụng "rào cản" nói trên, lượng bệnh nhân Hà Tĩnh sang Nghệ An khám chữa bệnh giảm khoảng 70%, tương đương 1 tỷ đồng/tháng.

Được biết, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về quy định nói trên. Một nguồn tin cũng cho biết vụ việc chưa ngã ngũ mà còn tiếp tục có những buổi làm việc tiếp theo để giải quyết.

QUANG ĐẠI-TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/doan-truong-thanh-toan-tien-bao-hiem-y-te-cua-nguoi-dan-bhxh-tinh-ha-tinh-noi-gi-607108.ldo