Doanh nghiệp 24h: Bộ Công thương phải báo cáo tình hình 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ trước 30/9

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017 về tình hình vay vốn của 12 dự án yếu kém ngành công thương...

Nhà máy đạm Hà Bắc, một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.

Báo cáo Thủ tướng tình hình vay vốn của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ liên quan dự thảo Báo cáo Thường trực Ban Bí Thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương thời gian vừa qua, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017.

Bộ Công Thương kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc các dự án, doanh nghiệp hoàn thành cơ bản việc xử lý tồn tại, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2017. Trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét, cho gia hạn đến hết Quý I/2018, doanh nghiệp, dự án phải rà soát, báo cáo và có cam kết, lộ trình xử lý cụ thể. (Xem thêm)

Doanh nghiệp nước giải khát lo bị ảnh hưởng nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt

Tại hội thảo: “Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/9, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam dẫn lại một trong những cơ sở áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt được Bộ Tài chính đưa ra trước đó là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường.

Theo ông Vỵ, cơ sở này phải được chứng minh một cách khoa học. “Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì hay không”, ông Vỵ đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, nước ngọt có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tăng cân, béo phì không hẳn chỉ do thức uống này gây ra. Điều quan trọng hơn theo ông là nguyên nhân từ khẩu phần ăn hàng ngày đặc biệt là thức ăn nhanh, thậm chí việc ăn quá nhiều cơm, gạo. (Xem thêm)

Do đâu OGC bị phạt gần 1,8 tỷ đồng?

Cụ thể, khoản tiền phạt tại mục chi phí khác trên Báo cáo tài chính công ty mẹ soát xét bán niên 2017 với mức phạt gần 1,8 tỷ đồng bao gồm:

Chủ yếu là do OGC bị phạt hơn 1,6 tỷ đồng trích trước khoản lãi chậm thanh toán có thể phát sinh theo cam kết giữa OGC và ngân hàng.

Cùng với đó, OGC cũng cho rằng các ý kiến kiểm toán viên đưa ra tương tự các ý kiến từ năm 2014 đến nay. Những vấn đề đó OGC đã có giải trình hàng năm. Theo OGC: "Việc kiểm toán viên tiếp tục đưa ra ý kiến ngoại trừ trên cơ sở nguyên tắc thận trọng của kiểm toán, các vấn đề này đều chưa lượng hóa được ảnh hưởng cụ thể tới BCTC của OGC". (Xem thêm)

Ứng xử ra sao với các doanh nghiệp phát hành chui… tăng vốn?

Bên cạnh Công ty Dược phẩm Bắc Ninh thì Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 37 tỷ đồng), Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu 1 (tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 347,8 tỷ đồng), Công ty cổ phần Khoáng sản 3-VIMICO, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng… là những doanh nghiệp (DN) đã phát hành "chui" cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Ứng xử ra sao với thực trạng này, nhìn từ phía cổ đông đại chúng và từ khía cạnh pháp lý, là câu hỏi nóng, rất cần được quan tâm, giải đáp.

Thực tế, câu chuyện DN phát hành chui bị mang ra ánh sáng khi DN nhận án phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP là 300 - 350 triệu đồng. (Xem thêm)

3 yếu tố chọn thế hệ kế cận trong doanh nghiệp

Tại Diễn đàn kinh doanh 2017, do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, các doanh nhân hàng đầu Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách nhìn nhận và chọn người tài cho thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế cận.

Để chọn được người nhận chuyển giao xứng đáng, là thế hệ đi trước, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng cần có 3 yếu tố: thứ nhất là đạo đức và khả năng duy trì văn hóa doanh nghiệp; thứ hai là khả năng hiểu biết, đón nhận xu hướng thế giới; thứ ba là thái độ đối xử với mọi người và cách vượt qua khó khăn.

Còn ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch hội đồng quản trị, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho rằng trong một doanh nghiệp sẽ luôn có những mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn đó tạo ra sự phát triển cho doanh nghiệp. Đó cũng là cái khác biệt so với thế hệ trước. Để là một người đứng đầu, người nhận chuyển giao doanh nghiệp cũng cần phải biết cách kiến tạo, xây dựng nền tảng mới, phải có đam mê với công việc đang làm, nhưng quan trọng nhất là phải tôn trọng những gì thế hệ trước đã gây dựng nên. Ngoài ra, người nhận chuyển giao cũng phải luôn học hỏi và phải có trách nhiệm. (Xem thêm)

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-24h-bo-cong-thuong-phai-bao-cao-tinh-hinh-12-du-an-thua-lo-nghin-ty-truoc-309-3186409.html