Doanh nghiệp 24h: 'Bông hồng vàng' miền Trung ngập trong nợ nần và thua lỗ

Nữ đại gia Thuận Thảo, 'Bông Hồng Vàng' một thời của Phú Yên tiếp tục lún sâu vào khó khăn do nợ nần và thua lỗ gần nghìn tỷ.

Ảnh minh họa.

Tết bi đát của nữ đại gia “Bông Hồng Vàng” lừng lẫy một thời

Tết năm nay, nữ đại gia nổi tiếng miền Trung rơi vào bi đát khi bị ngân hàng rao bán tài sản để siết nợ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài vừa đăng thông báo bán nợ với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng gồm hơn 1,2 nghìn tỷ nợ gốc và hơn 1 nghìn tỷ nợ lãi. Thời gian đấu giá đến ngày 2/3.

Theo đó, BIDV Phú Tài rao bán khoản nợ ngàn tỷ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tài sản đảm bảo gồm 3 khu đất (với tổng diện tích 22ha tại TP.HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu GTT của CTCP Thuận Thảo.

Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo, thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải hành khách. (Xem tiếp)

Đạm Ninh Bình hoạt động đạt 80% công suất, nhưng vẫn ngập trong nợ và thiếu vốn

Chiều ngày 21/02 (tức Mùng 6 Tết Mậu Tuất), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.

Báo cáo chung về tình hình sản xuất tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, ông Vũ Văn Nhẫn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đạm Ninh Bình cho biết, sau khi khắc phục song sự cố máy nén khí K1301 tại xưởng Khí hóa ngày 03/11/2017, các điều kiện về máy móc thiết bị, công nghệ, nhân lực đã đủ điều kiện khởi động chạy lại máy từ 15/01/2018.

Do thiếu vốn mua 40.000 tấn than để đảm bảo khởi động lại máy an toàn (lượng than tồn kho chỉ đủ sản xuất 09 ngày) nên phải đến ngày 22/01/2018 Ban điều hành mới quyết định bắt đầu khởi động lại Nhà máy. (Xem tiếp)

Air France lên tiếng về việc hủy vé 0 đồng với khách Việt

Sáng 21/2, nhiều khách hàng của hãng hàng không quốc gia Pháp đã đến văn phòng tại Hà Nội để yêu cầu Air France giải đáp những khúc mắc liên quan đến hành động hủy vé.

Trước đó, vào ngày 13 và 14/2, nhiều người đã mua thành công vé khứ hồi giữa Việt Nam và Pháp với mức giá dao động từ 4 đến 5 triệu đồng. Thông thường giá của chặng bay này khoảng 800 euro (20 triệu đồng). Tuy nhiên, đến ngày 16/2, các hành khách bắt đầu nhận được thư thông báo hủy vé của Air France kèm đề nghị hoàn tiền.

Delphine Buglio, trưởng đại diện hãng Air France tại Việt Nam, hôm qua cho biết với VnExpress rằng "một lỗi kỹ thuật đã dẫn tới việc hiển thị giá vé sai trên phiên bản điện thoại của trang Air France ở Việt Nam và Indonesia vào ngày 14/2". Giá vé được hiển thị là "0 + thuế", mức giá này tương ứng với loại vé thưởng, thông thường chỉ bán cho các thành viên của Flying Blue khi họ đăng nhập vào tài khoản với số dặm bay cụ thể. Theo chính sách của Air France, là thành viên của Flying Blue, hành khách có thể sử dụng thẻ thành viên để nhận dặm thưởng của Air France và vé thưởng. (Xem tiếp)

Đại gia sữa Vinamilk gặp khó khi tìm đường tới Trung Đông

Vinamilk cho biết hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của họ chịu ảnh hưởng mạnh sau khi phải tạm ngưng xuất khẩu tới Trung Đông vì tình hình xung đột chính trị đang diễn ra tại đây.

Mặc cho doanh thu tăng 8,9% lên mức 51 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 2,23 tỷ USD) trong năm 2017, công ty này vẫn báo cáo mức sụt giảm 14,2% doanh thu từ các thị trường nước ngoài. Công ty cho biết lợi nhuận ròng tăng 9,7% lên mức 10,27 nghìn tỷ VNĐ.

Giám đốc đối ngoại Đỗ Thành Tuấn nói rằng bất ổn chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là Iraq là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Iraq là thị trường quốc tế đầu tiên của Vinamilk – nơi họ bắt đầu xuất khẩu sản phẩm từ năm 1998. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-bong-hong-vang-mien-trung-ngap-trong-no-nan-va-thua-lo-3436503.html