Doanh nghiệp 24h: 'Chìm nổi' thép Gia Sàng

Với một nhà máy lút chìm trong nợ nần như Gia Sàng, để giải cứu, chắc chắn không thể là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều.

Ảnh minh họa.

Thép Gia Sàng từng bị kiện ra tòa, giờ ra sao?

Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do CHDC Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, hoạt động từ năm 1975, từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam.

Năm 2007, công ty thí điểm thực hiện cổ phần hóa với vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của cổ đông lớn hơn 40%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%. Tuy nhiên, liên tiếp sau đó chỉ là những tháng ngày đáng quên.

Tại đại hội cổ đông năm 2013, hàng trăm lao động của Gia Sàng đã chết lặng khi biết số nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ nhà cung cấp, nợ công nhân viên… của công ty đã lên tới 121,3 tỷ đồng, trong đó nợ lương, bảo hiểm là hàng chục tỷ đồng. (Xem thêm)

Thương vụ Grab mua Uber ở Việt Nam bị giơ “thẻ vàng”

Ngày 16/4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong thời gian vừa qua, đơn vị đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. (Xem thêm)

Phí vô lý vẫn khó điều chỉnh

Luật Phí và lệ phí 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 nhưng từ năm 2016, Bộ Tài chính ra 4 thông tư quy định mức phí công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu 350.000 đồng/lô hàng; phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP công bố lần đầu là 500.000 đồng/lần/sản phẩm (công bố lại là 300.000 đồng/lần/sản phẩm); phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác 700.000 đồng/lần...

Theo các doanh nghiệp (DN) thủy hải sản, mức phí này quá cao, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của họ. Một DN sản xuất cá tra ở ĐBSCL cho biết, chỉ riêng phí kiểm tra lấy mẫu cũng "ngốn" của DN hơn 1 tỷ đồng/năm. Với các DN nhỏ cũng tốn cả trăm triệu đồng/năm. (Xem thêm)

TIX: Doanh thu giảm 80% do nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh

Ngày 17/5/2018 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền cổ phiếu TIX của CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và đầu tư Tân Bình để công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Tại ĐHĐCĐ lần này, công ty sẽ trình cổ đông thông qua dự án Chung cư Bình Tân – Milky Way và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

TIX cũng vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của 6 tháng đầu năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2018.

Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 92 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước là 502 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu từ kinh doanh bất động sản kỳ này giảm mạnh, chỉ còn 18 tỷ đồng so với 437 tỷ đồng của kỳ trước. Doanh thu từ cung cấp dịch vụ tăng 13% lên 74 tỷ đồng. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-chim-noi-thep-gia-sang-3450052.html