Doanh nghiệp 24h: Doanh nghiệp sợ nhất điều gì?

Thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của DN. Môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng xa so với Singapore, Malaysia, Thái Lan và mục tiêu ASEAN 4. DN trong nước yếu, song nhìn vào bộ máy, ông Trần Đình Thiên nhắc đến thực trạng đông người hưởng lương, 'họp lu bù là phổ biến và là bệnh nan y'.

Ảnh minh họa.

“Doanh nghiệp sợ nhất 11h đêm quan chức gọi đến nhà hàng”

“DN sợ nhất tầm 10-11h đêm có quan chức gọi đến nhà hàng để thanh toán tiền ăn”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ như vậy để nói về tệ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN của một bộ phận cán bộ quản lý tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11.

Ý kiến của ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cũng là vấn đề nhiều đại biểu đề cập, ngoài những vấn đề đã được nói suốt cả chục năm nay về động lực tăng trưởng như tăng trưởng theo chiều sâu, chú ý chất lượng tăng trưởng, đào tạo nhân lực, tăng năng suất,...

Là người sát sao với hơi thở của DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng rút lời gan ruột khi tường thuật lại những gì DN phản ánh về môi trường kinh doanh của Việt Nam. (Xem tiếp)

Đại biểu Quốc hội bàn vụ CGV bị tố chèn ép doanh nghiệp Việt

Rạp chiếu phim chính là đầu ra của khâu sản xuất phim. 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là 2 doanh nghiệp nước ngoài là CGV chiếm 43%, Lotte chiếm 20% thị phần.

Đặc biệt, doanh nghiệp CGV nắm tới 80% quyền sở hữu dù Luật Điện ảnh chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài chỉ nắm giữ không quá 51%.

Năm 2016 vừa qua 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia quá thấp cho phim Việt. Sự việc đẩy lên đến đỉnh điểm với việc CGV từ chối phát hành một bộ phim Việt vì không chấp nhận tỷ lệ ăn chia như phim ngoại. (Xem tiếp)

Đường sắt tặng suất ăn “tiêu chuẩn hàng không” để kéo khách trở lại

Từ tháng 1/2018, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cung cấp suất ăn tiêu chuẩn hàng không cho hành khách. Bên cạnh những lời xì xào, “bắt chẹt”, bán cho khách như “cơm tù”, lãnh đạo tổng công ty này khẳng định chi phí suất ăn sẽ do đường sắt chi trả, không tăng giá vé nhằm thu hút khách quay về.

Những ngày qua, thông tin ngành đường sắt cung cấp suất ăn cho hành khách đi tàu tạo ra nhiều thông tin trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, việc ngành đường sắt bán suất ăn vào giá vé làm cho hành khách không có lựa chọn, thậm chí, có ý kiến bình luận, đường sắt đang lặp lại “nạn cơm tù” như xe khách trước đây.

Trao đổi với PV, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho hay: Chi phí suất ăn sẽ được tính vào giá vé nhưng ngành đường sắt sẽ chịu khoản chi phí này và không tăng giá đối với hành khách. Theo ông Minh, suất ăn là một trong những nỗ lực của Tổng Công ty ĐSVN nhằm tăng chất lượng dịch vụ nhưng vẫn giữ nguyên, thậm chí hạ giá vé. (Xem tiếp)

Doanh nghiệp mía đường sẽ “chết yểu”?

Trước hết, ngành đang thiếu một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển ngành. Hơn nữa, năng suất của Việt Nam còn thấp hơn bình quân thế giới, năng suất đường/ha mía của chúng ta là 5-6 tấn đường/ha, thấp hơn nhiều so với mức 10-11 tấn, thậm chí 15 tấn/ha của Thái Lan và nhiều nước. Đặc biệt, so với Thái Lan, giá mía nguyên liệu của chúng ta đang cao hơn 30-40%. Cùng với đó, thời gian qua, đường nhập lậu từ Thái Lan đổ về nội địa đã lên tới 500.000 tấn/năm, chiếm 1/3 sản lượng đường sản xuất trong nước, khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước ngậm ngùi nhìn đường lậu khuynh đảo thị trường.

Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp sử dụng đường đang... chờ Hiệp định ATIGA có hiệu lực, mở cửa hạn ngạch và giảm thuế suất mặt hàng này về 5%, điều này sẽ khiến các nhà máy sản xuất đường trước nguy cơ “chết yểu”. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-doanh-nghiep-so-nhat-dieu-gi-3420336.html