Doanh nghiệp 24h: Mumuso dùng kế 'kim thiền thoát xác'?

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam công bố nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài, nhưng Bộ Công thương khẳng định chưa cấp phép hoạt động này cho Mumuso Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Mumuso “kim thiền thoát xác”?

Mặc dù quảng bá là thương hiệu đến từ Hàn Quốc nhưng mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương kiểm tra hoạt động của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (gọi tắt Mumuso Việt Nam) do nghi vấn là thương hiệu giả mạo. Trả lời báo chí, ông Nhâm Phi Khanh, Giám đốc Công ty Mumuso Việt Nam, khẳng định công ty đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc cấp từ năm 2014 và có giấy phép đăng ký kinh doanh ở Hàn Quốc.

Sau đó công ty chuyển giao công nghệ và có trụ sở hoạt động chính ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Mumuso Việt Nam nhận chuyển nhượng từ đơn vị này để phát triển hệ thống cửa hàng bán sản phẩm tại Việt Nam. Nhưng mới đây khi trả lời P.V, Bộ Công thương khẳng định không có tên Mumuso trong số hơn 200 công ty vào Việt Nam theo con đường nhượng quyền thương mại từ đầu năm đến nay. (Xem thêm)

Hơn 4.800 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang của TISCO “chôn” tại dự án Gang thép Thái Nguyên

Trong báo cáo kiểm toán độc lập của hãng kiểm toán AASC, hãng kiểm toán này đề cập đến Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2” trong vấn đề cần nhấn mạnh. Dự án có tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là hơn 3.843 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt lên gần 8.105 tỷ đồng.

Dự án được triển khai thực hiện năm 2007 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án thời điểm 31/12/2017 là 4.851 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.649 tỷ đồng.

Từ năm 2015 dự án được hỗ trợ vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với số vốn phát hành thêm 1.000 tỷ đồng mục đích phát hành tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng gang thép giai đoạn 2. (Xem thêm)

Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em Việt Nam “than thở” về sự sống còn

Mặc dù trên thị trường, đồ chơi ngoại nhập vẫn đang chiếm số lượng lớn và thu hút không ít người tiêu dùng nhưng hàng Việt không phải không có chỗ đứng.

Theo khảo sát của PV, tại hệ thống các siêu thị dành cho mẹ và bé như Bibomart, Shoptretho, Kidsplaza…các sản phẩm đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Việt Nam được bán khá nhiều. Mẫu mã, chủng loại cũng đã phong phú nhiều hơn so với trước để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong khoảng một năm trở lại đây, thị trường đồ chơi trẻ em ghi nhận sự bứt phá của những sản phẩm đồ chơi làm bằng gỗ thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Đáng mừng hơn là những sản phẩm đồ chơi gỗ phần lớn xuất xứ từ Việt Nam đảm bảo chất liệu an toàn, dễ sử dụng. (Xem thêm)

Grab mất lòng khách lẫn tài xế

Việc Grab thâu tóm Uber và giành thị phần lớn tại Việt Nam nhiều tài xế chạy cho Grab kỳ vọng lượng khách và thu nhập của mình sẽ được cải thiện nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Anh Hưng, tài xế GrabTaxi chạy chiếc Hyundai Grand i10 ở TP.HCM, cho biết kể từ sau khi Grab mua lại Uber, lượng khách đi xe không tăng mà còn giảm. Số chuyến bị khách hủy cũng nhiều hơn vì giá tăng quá cao. "Không ít lần tôi đang trên đường tới hoặc tới nơi rồi khách lại hủy chuyến. Xe này tôi vẫn đang phải trả góp tiền vay ngân hàng, trong khi thu nhập lại giảm nhưng vẫn ráng chạy thêm một thời gian xem sao" - anh Hưng chia sẻ.

Các bác tài GrabBike cho biết trước đây, mỗi ngày chạy được hơn 600.000 đồng, trừ chi phí xăng và trích 20% phí cho Grab cũng còn gần 300.000 đồng. Nay doanh thu giảm chỉ còn 400.000- 450.000 đồng, trừ xong các khoản còn lại chẳng bao nhiêu. "Thu nhập thấp như vậy nên đa phần tài xế chỉ chọn những cuốc xe có tuyến đường dài, có giá cao mới nhận. Từ đó, khách cũng bị phiền hà, còn Grab đẩy giá lên vô tội vạ" - anh Hồ Minh Khải chạy Grab cho biết như vậy. (Xem thêm)

Bệnh viện Giao thông Vận tải: Nan giải cuộc “ly hôn”

Cuộc “hôn nhân” từng được đánh giá là rất đẹp giữa Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) Trung ương - đơn vị y tế công lập đầu tiên trong ngành giao thông được chọn cổ phần hóa và CTCP Tập đoàn T&T (T&T) đang dần đi đến hồi kết.

Theo thông tin của P.V, vào cuối tuần trước, T&T đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ: GTVT, Tài chính, Y tế cho phép nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại CTCP Bệnh viện GTVT.

T&T cũng kiến nghị Bộ GTVT tổ chức Đại hội đồng cổ đông CTCP Bệnh viện GTVT, đã liên tục bị trì hoãn từ năm 2017 đến nay. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-mumuso-dung-ke-kim-thien-thoat-xac-3452665.html