Doanh nghiệp 24h: Nhiều điều kiện kinh doanh chồng chéo, thiếu minh bạch trong Dự thảo Luật Thủy sản

Nhiều quy định trong Dự thảo Luật Thủy sản còn chồng chéo, thiếu minh bạch khiến có tình trạng doanh nghiệp sẽ phải mang 3 giấy phép khác để xin một giấy phép đầu tư kinh doanh.

Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Thủy sản"

“Doanh nghiệp thủy sản cầm 3 giấy phép đi xin một giấy phép khác, thêm được giá trị gia tăng nào?”

Tại Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Thủy sản" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/9, nhiều điểm bất cập về Dự thảo Luật đã được nêu ra, trong đó nổi bật là việc các điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, chồng chéo gây phiền hà, tốn kém chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Được biết, Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua trong kỳ họp Quốc hội được dự kiến tổ chức vào ngày 23/10 đến ngày 22/11 tới đây. (Xem thêm)

Dấu hỏi hiệu quả 1,8 tỷ USD mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Muốn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn

Trước đó, Petro Vietnam đã có văn bản gửi lên Chính phủ về dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cụ thể, dự án đã triển khai được 24/78 tháng so với kế hoạch.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, theo Petro Vietnam, mới hoàn thành bàn giao 108 ha mặt bằng sạch cho dự án vào tháng 3/2016, hoàn thành tái định cư và hoàn thành mặt bằng khu nghĩa địa mở rộng vào tháng 10/2016.

"Tiến độ không đạt nên đến ngày 17/2 năm nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp với Petro Vietnam và cam kết sẽ hoàn thành công tác chi trả bồi thường cho người dân trước 30/4, hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án trước 30/6. Song đến nay, công tác chi trả bồi thường chưa hoàn thành, triển khai chậm công tác thi công xây dựng khu tái định cư. Như vậy, công tác bàn giao mặt bằng đã chậm so với kế hoạch ban đầu hơn 1 năm”, báo cáo của Petro Vietnam nêu. (Xem thêm)

Bộ Tài chính từ chối nhiều đề xuất xin ưu đãi cho cây sắn

Bộ Tài chính mới đây đã có công văn trả lời kiến nghị của Hiệp hội sắn Việt Nam về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cây sắn và sản phẩm sắn.

Trước đó, Hiệp hội sắn đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng cho tinh bột sắn là 5%, kiến nghị việc áp dụng thuế suất cao đối với xuất khẩu củ sắn tươi, kiến nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu củ sắn tươi… Tuy nhiên, hầu hết các kiến nghị được Hiệp hội sắn nêu ra, Bộ Tài chính đề khước từ.

Cụ thể, về mức thuế giá trị gia tăng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thì sắn của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, sắn do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ở khâu thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Sản phẩm sắn đã qua chế biến như bột sắn, các sản phẩm từ tinh bột sắn đang được áp dụng thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10%. (Xem thêm)

Doanh nghiệp tốn 30 triệu ngày công và hơn 14 nghìn tỷ mỗi năm để kiểm tra chuyên ngành

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết như vậy tại buổi làm việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bộ Y tế ngày 20/9.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ kiểm tra rất nhiều, làm hồ sơ rất nhiều nhưng kiểm tra sản phẩm thì ít, tỷ lệ phát hiện chỉ 0,06%, tỷ lệ rất nhỏ, trong khi kiểm tra chủ yếu bằng thủ công, bằng cảm quan, không có quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Danh mục mặt hàng phải kiểm tra hiện nay cũng rất nhiều. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35%, trong khi Hải quan chỉ kiểm tra 6%. (Xem thêm)

TKV đề xuất đầu tư sâu nhà máy Nhôm Lâm Đồng để “xứng tầm thế giới”

Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo các cục, vụ các tập đoàn và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất mở rộng, đầu tư sâu vào nhà máy Nhôm Lâm Đồng để nhà máy “xứng tầm thế giới”.

Theo ông Hải, sau 4 năm, những phản biện của dư luận về dự án này đã được giải quyết khá thấu đáo. Năm 2016, nhà máy nộp ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng, thu nhập của người lao động tại đây năm sau cao hơn năm trước (nay là 8 triệu đồng/tháng).

"Thời gian qua, có một số sự cố nhỏ xảy ra trong hoạt động của nhà máy nhưng đã được xử lý. Vấn đề môi trường của dự án luôn thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của bộ, tỉnh cũng như sự giám sát chặt chẽ của người dân", ông Hải nói. (Xem thêm)

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-chong-cheo-thieu-minh-bach-trong-du-thao-luat-thuy-san-3203659.html