Doanh nghiệp 24h: Thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp nào mang về nhiều tiền nhất?

Chỉ 8 tháng đầu năm nay tổng giá trị cổ phần bán được từ 10 đợt bán vốn nhà nước lớn nhất trong năm là 7222 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2015.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp nào mang về nhiều tiền nhất trong “cuộc đua” thoái vốn nhà nước?

Tính đến 20/08/2016, đã có 48 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, con số này chỉ tương đương 21,6% kết quả thực hiện của năm 2015.

Tuy nhiên, tốc độ phê duyệt cổ phần hóa như vậy là phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 chỉ khoảng 250-280 doanh nghiệp, bằng một nửa giai đoạn 2011- 2015. Tốc độ bán cổ phần lần đầu ra công chúng duy trì ổn định so với năm trước, đồng thời tỷ lệ thành công có cải thiện (tăng từ 45% lên 75%). Như vậy, mức độ quan tâm của NĐT đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang cải thiện, đặc biệt là những phiên đấu giá cổ phần của các tổng công ty (TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, TCT Dược Việt Nam, TCT Viglacera, TCT Chăn nuôi….) Giá trị cổ phần bán được trong 8 tháng đầu năm cũng tăng trưởng hơn 60% so với thực hiện của cả năm 2015 nhờ vào giá trị lớn của các TCT này. (Xem tiếp)

Quy hoạch ngành thép “chạy theo” doanh nghiệp

Một trong những dự án được nhắc đến làm minh chứng là “khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná - Ninh Thuận” được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch chỉ 2 ngày trước khi chính thức được công bố tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận (ngày 27/8). Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), cho rằng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm, đồng thời khẳng định “Hoa Sen không làm, thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”.

Thế nhưng, trên thực tế, Quyết định 694/QĐ-BCT (ngày 31/1/2013) của Bộ Công thương “Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025”, thay thế cho quy hoạch năm 2007 không hề đề cập đến dự án thép ở Cà Ná. Cả những quy hoạch trước đây vùng biển này cũng chưa hề nằm trong quy hoạch của ngành thép. Như vậy, có chăng dự án thép ở Cà Ná chỉ thuộc diện “xem xét” đưa vào quy hoạch chứ không phải đã thuộc diện quy hoạch từ trước như ông Trương Thanh Hoài nói. (Xem tiếp)

Red River Holding bán lượng lớn cổ phiếu FPT, rút khỏi danh sách cổ đông lớn

Thông tin từ CTCP FPT (mã FPT) cho biết, Red River Holding vừa bán ra gần 3,7 triệu cổ phiêúFPT, làm giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 24,71 triệu cổ phiếu, tương đương 5,38% vốn điều lệ xuống còn 21,04 triệu cổ phiếu, tương đương 4,58% vốn.

Theo đó, tổ chức này không còn là cổ đông lớn của FPT, tuy nhiên, vẫn là cổ đông lớn thứ ba và là cổ đông ngoại có tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại đây.

Giao dịch được thực hiện vào ngày 9/9/2016. Đây cũng là phiên giao dịch mà cổ phiếu FPT đóng cửa tại mức giá đỉnh 4 năm, đạt 45.700 đồng/cổ phiếu. (Xem tiếp)

BCG bán toàn bộ 51% vốn tại BCG Trường Thành sau 5 tháng thành lập

CTCP Bamboo Capital (mã BCG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT họp ngày 12/9 về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của CTCP BCG Trường Thành.

Theo đó, HĐQT Bamboo Capital thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 10,2 triệu cổ phần phổ thông của BCG Trường Thành và giao Tổng giám đốc chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Được biết, Bamboo Capital đã góp 102 tỷ đồng tương ứng 51% vốn điều lệ để thành lập BCG Trường Thành hồi tháng 4/2016. Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital đồng thời giữ ghế Chủ tịch tại công ty này . (Xem tiếp)

CII chuẩn bị nới room ngoại lên 70%

Ngày 13/09/2016, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII ) đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ của CII tại dự án BT Thủ Thiêm sang Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm. Điều này đồng nghĩa với việc CII có thể bỏ chức năng kinh doanh bất động sản và tiến tới nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên trên 49%.

Cũng trong ngày ngày 13/09/2016, HĐQT CII đã quyết định chấp thuận bỏ chức năng kinh doanh bất động sản và chức năng khai thác, xử lý và cung cấp nước. Cụ thể hoạt động kinh doanh bất động sản được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm và hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước được chuyển giao cho CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) . (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-24h-thoai-von-nha-nuoc-doanh-nghiep-nao-mang-ve-nhieu-tien-nhat-1972029.html