Doanh nghiệp 'ăn bớt' thời gian huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm tới công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, thực hiện theo kiểu đối phó.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017, trên cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn, 928 người thiệt mạng.

Trao đổi tại buổi đối thoại định kỳ năm 2018 của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) diễn ra hôm nay 11/4, các chuyên gia đều cho rằng việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là quy trình nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng, nhằm bảo vệ an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc, hạn chế những rủi ro đáng tiếc. Tuy nhiên quy định này hiện vẫn bị bỏ ngỏ, ít được người sử dụng lao động quan tâm, việc thực hiện vẫn đang được làm theo kiểu đối phó.

Toàn cảnh buổi đối thoại.

Toàn cảnh buổi đối thoại.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai thẳng thắn chỉ ra rằng, trong quá trình thanh, kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều nghiêm túc triển khai quy trình về huấn luyện ATVSLĐ. Thậm chí các hồ sơ đều rất đẹp nhưng khi kiểm tra, hỏi ra mới vỡ lẽ hầu hết quy trình về huấn luyện đều được các doanh nghiệp thực hiện lúc tranh thủ vào giờ nghỉ trưa của công nhân với thời lượng từ 30-60 phút.

Cũng theo ông Quang, một số doanh nghiệp thuê các đơn vị về giảng, tập huấn quy trình huấn luyện cho công nhân trong giờ nghỉ trưa rồi quay clip, chụp ảnh, làm hồ sơ đẹp, nhưng sau buổi huấn luyện, công nhân lại không tích lũy được mấy kiến thức.

“Những kỹ năng về ATVSLĐ vẫn là lỗ hổng lớn dẫn đến tai nạn lao động vẫn gia tăng”, ông Nguyễn Hồng Quang lo ngại.

Đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết tình trạng doanh nghiệp rút ngắn thời gian huấn luyện diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, khi phát hiện, các cơ quan chức năng rất khó xử lý, chỉ làm công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp cũng như đơn vị tham gia huấn luyện.

Nguyên nhân do Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa có chế tài xử lý với những DN, cơ sở sản xuất không thực hiện đúng quy trình ATVSLĐ, còn về phía đơn vị tham gia theo Nghị định 95 đã có chế tài nhưng để xử phạt rất khó.

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, cho biết: “Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều “than” rằng thời gian huấn luyện về ATVSLD quá dài, họ không muốn huấn luyện hoặc làm trong một thời gian thật ít”.

Ông Trình nhấn mạnh, trong hiệp định CPTPP có hẳn 1 chương về ATVSLĐ. Nếu không tuân thủ các quy tắc, Việt Nam khó có thể hội nhập.

“Bất cập hiện nay là hệ thống thanh tra ATVSLĐ còn rất mỏng, yếu, thiếu. Cả nước có gần 500 thanh tra lao động kiêm cả ATLĐ, số doanh nghiệp lại rất lớn. Ý thức của người sử dụng lao động chưa cao, họ luôn mong muốn đặt năng suất lên trước. ATLĐ góp phần tăng năng suất gián tiếp, còn người sử dụng lao động muốn tăng năng suất trực tiếp. Bên cạnh đó, nhận thức quản lý của các cấp ở địa phương còn chưa đầy đủ.Có những đơn vị không huấn luyện mà đi mua chứng chỉ. Trách nhiệm thuộc về Sở LĐ-TB-XH địa phương đã không kiểm tra đầy đủ, kể cả hậu kiểm”, ông Trình chỉ rõ.

Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết: “Trong luật đã quy định phân cấp cho các bộ ngành trung ương, các hội đoàn thể thực hiện ATVSLĐ. Ở địa phương phân cấp tới cấp tỉnh, huyện, xã… Tất cả cơ quan đoàn thể đều phải vào cuộc vì người lao động. Điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nên các cấp các ngành địa phương phải chung tay và trước mắt đề xuất địa phương xây dựng ngân sách tập trung vào lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm”.

Ông Thắng cho rằng, trong việc đảm bảo ATVSLĐ, trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng lao động, bên cạnh đó, chính người lao động cũng cần có ý thức về vấn đề này.

“Đôi khi, người lao động được cho học tập, được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng họ thấy vướng víu nên không tuân thủ. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cũng phải thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết thêm, một số trung tâm được ủy quyền đào tạo, cấp chứng nhận về ATVSLĐ nhưng không đào tạo mà bán chứng chỉ sẽ bị xử lý mạnh tay, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng, đề nghị cơ quan pháp luật khởi tố, truy tố những hành vi đó./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-an-bot-thoi-gian-huan-luyen-an-toan-ve-sinh-lao-dong-750027.vov