Doanh nghiệp bán lẻ 'quay xe' dưới áp lực sức mua chậm

CTCP Thế Giới Số (DGW) hay CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cùng các nhà bán lẻ khác đang tỏ ra thận trọng về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và vừa phải lo đảm bảo sức chống chịu. Thậm chí, DGW còn 'quay xe' so với kế hoạch ban đầu, đặt chỉ tiêu tăng trưởng âm. Tại sao lại như vậy?

Mới đây, trong tờ trình chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên 2023 sắp diễn ra vào hạ tuần tháng 4, DGW - nhà bán lẻ hàng đầu trong mảng công nghệ và đồ gia dụng, đã bất ngờ đặt chỉ tiêu doanh thu năm nay chỉ đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 42% so với con số đạt được vào năm 2022.

Sức mua giảm mạnh hơn dự báo

Chỉ tiêu này được xem như “quay xe”, có sự thay đổi lớn so với Nghị quyết HĐQT của DGW được công bố hồi giữa tháng 2/2023 với kế hoạch kinh doanh năm 2023 là sẽ đạt doanh thu trên 25.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 787 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 15% so với năm ngoái.

Sức mua đang giảm mạnh hơn so với dự báo của các nhà bán lẻ.

Sức mua đang giảm mạnh hơn so với dự báo của các nhà bán lẻ.

Thời điểm tháng 2 nêu trên, giới phân tích đã lưu ý những con số chỉ tiêu này phụ thuộc chủ yếu vào việc nhu cầu phục hồi, và sẽ tiếp tục quan sát kỹ lưỡng. Không những thế, như VnBusiness từng phản ánh, DGW thậm chí còn đưa ra cả hai kịch bản tích cực và kém tích cực để có được chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận như vậy. Trong đó, ngay cả ở kịch bản kém tích cực thì DGW vẫn đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng lợi nhuận ròng cho cả năm 2023 ở mức 10% so với năm trước.

Còn hiện tại, như lý giải của Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt, với sự suy giảm của nền kinh tế cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, DGW xây dựng kế hoạch kinh doanh có sự sụt giảm so với năm trước.

Theo ông Việt, thời gian tới, công ty sẽ hoàn thiện kênh phân phối đa ngành, phát triển ngành hàng mới, nâng cao thị phần, chọn ngành kinh doanh hiệu quả, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh…

Còn với nhà bán lẻ hàng đầu khác là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), trong tờ trình chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên 2023 (dự kiến diễn ra ngày 8/4), đã đặt chỉ tiêu năm nay đạt doanh thu 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận 4.200 tỷ đồng, tức chỉ tăng lần lượt 1% và 2% so với năm 2022.

Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận này được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực kể từ quý 3/2023. MWG sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường trong những tháng tới và có thể đưa ra điều chỉnh tùy thuộc tình hình thực tế trong nửa cuối năm nay.

Như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, theo kết quả ghi nhận trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự báo của MWG. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra với nhóm khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế.

Phải đảm bảo sức chống chịu

Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp. Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Ngoài việc điều chỉnh, thận trọng về doanh thu và lợi nhuận, việc mở rộng chuỗi của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cũng đành tạm dừng lại. Các kế hoạch “trong mơ” về số lượng chuỗi điểm bán xem ra khó đạt như mục tiêu ban đầu.

Chẳng hạn với CTCP CVS Holdings (đang vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam) đến nay mới chỉ mở được 209 cửa hàng tại các tỉnh, thành lớn (tập trung chủ yếu ở Tp.HCM), tức chỉ mới thực hiện được 8% chỉ tiêu đề ra là tới năm 2028 đạt con số 2.500 cửa hàng.

Không chỉ vậy, trong báo cáo mới công bố về tình hình kinh doanh năm 2022 của CVS Holdings cho thấy mức lỗ sau thuế tăng đáng kể lên 167 tỷ đồng so với mức lỗ 153,5 tỷ đồng năm 2021.

Hoặc như chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đến nay chỉ có 80 cửa hàng nhượng quyền ở Tp.HCM và chưa có cửa hàng nào tại Hà Nội. Trong khi đó, thương hiệu bán lẻ này từng có tham vọng muốn giành “miếng bánh” thị phần bán lẻ ở Việt Nam với khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm.

Không chỉ khó đạt chỉ tiêu mở rộng chuỗi, giữa thách thức lớn về sức mua như hiện nay có không ít thương hiệu bán lẻ sẽ phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng mở rộng chuỗi và chỉ giữ những siêu thị, cửa hàng có tiềm năng tăng trưởng.

Như MWG sẽ tạm ngưng mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm cho mẹ và bé AVAKids, chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương. Đối với những chuỗi này, việc tập trung trong năm nay là tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và giảm lỗ.

Có thể thấy, trước nhiều khó khăn như hiện tại (đặc biệt là về sức mua) thì sự thận trọng của các nhà bán lẻ là lẽ đương nhiên. Song song đó, điều mà họ cần làm trong lúc này là làm sao duy trì được doanh thu và bảo vệ dòng tiền.

Nhất là việc thu hút và giữ chân người mua có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà bán lẻ để giữ thị phần giữa sức ép cạnh tranh gay gắt. Và khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi trở lại thì họ phải có sự sẵn sàng để thúc đà tăng trưởng.

Hơn thế nữa, các nhà bán lẻ sẽ cần phải giảm đáng kể các hạng mục chi phí lớn, gồm: Chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện, chi phí tài chính, chi phí nhân sự, kiểm soát tồn kho hiệu quả. Có như vậy mới đảm bảo sức chống chịu trong giai đoạn thị trường bán lẻ có nhiều thách thức lớn như hiện nay.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-ban-le-quay-xe-duoi-ap-luc-suc-mua-cham-1091837.html