Doanh nghiệp bán lẻ trong nước- Tập trung vào lĩnh vực thế mạnh

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư khi chi tiêu mua sắm mỗi năm của người dân lên tới hàng tỷ USD. Trong làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đang tràn vào thị trường, DN bán lẻ Việt Nam vẫn có thể giành được thị phần nếu đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh.

Mô hình cửa hàng tiện lợi là lựa chọn hợp lý cho các DN có số vốn hạn chế

Theo PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân - chuyên gia thương mại, bán lẻ là phân ngành phát triển mạnh mẽ nhất trong 4 phân ngành của ngành dịch vụ phân phối. Trong giai đoạn 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, dù tốc độ phát triển mạnh nhưng hạ tầng thương mại hiện nay lại đang gặp nhiều khó khăn khi mô hình các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… cấp vùng rất ít, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các quận nội thành. Cả nước hiện có 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố nhưng riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã lần lượt chiếm 47% và 50% tổng số siêu thị và trung tâm thương mại cả nước. Hệ thống bán lẻ khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế.

PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân cho rằng, DN bán lẻ Việt Nam cần tập trung đầu tư cho các lĩnh vực nước ta có thế mạnh. Đơn cử như mô hình cửa hàng tiện lợi, hình thành một lực lượng đông đảo, phân bố rộng rãi, bám sát người tiêu dùng, len lỏi trong các khu dân cư, dọc theo các dãy phố, đặc biệt là khu vực nông thôn để cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân.

"Mô hình cửa hàng tiện lợi là lựa chọn hợp lý cho các DN có số vốn hạn chế nhưng muốn bao phủ thị trường. Bởi nhỏ thì năng động, linh hoạt và sáng tạo, độ bao phủ rộng khắp hơn" - PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh.

Nhà nước cũng cần khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi kết hợp với hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng DN để từng bước "chuyển hóa" các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể (tiểu thương) thành các cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại, mở cửa cả ngày và liên tục trong tuần. Tiếp đó, lựa chọn và khuyến khích các DN "hạt giống" liên kết các cửa hàng lại thành chuỗi cửa hàng tiện lợi…

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, xây mới để có đủ số lượng kết hợp với từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ truyền thống bởi đây vẫn là hình thức bán lẻ quen thuộc với người dân. Quan tâm dành quỹ đất thỏa đáng cho chợ với vị trí thuận lợi, phù hợp với tập quán họp chợ của người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết hợp các chính sách hiện hành của nhà nước về khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển chợ với huy động mọi nguồn lực xã hội để có vốn đầu tư cho chợ. Ưu tiên đầu tư trước hết cho các chợ thuộc địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, chợ xuống cấp nghiêm trọng, chợ quá tải, chợ đang có nhu cầu bức xúc của người dân, chợ phục vụ tái định cư…

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng liên tục từ 88 tỷ USD năm 2010 lên 130 tỷ USD năm 2017, dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 179 tỷ USD. Đây là điều kiện tốt cho các DN bán lẻ nội địa nâng cao năng lực, chiếm thị phần tốt hơn trên thị trường.

Việt Nga - Phương Lan

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep-ban-le-trong-nuoc-tap-trung-vao-linh-vuc-the-manh.html