Doanh nghiệp bảo hiểm: Đủ vốn chưa chắc đủ an toàn

Theo báo cáo tổng kết hoạt động bảo hiểm phục vụ việc đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính công bố, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), đặc biệt là DNBH phi nhân thọ dù đủ vốn pháp định nhưng tình hình tài chính vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp bảo hiểm: Đủ vốn chưa chắc đủ an toàn

Doanh nghiệp bảo hiểm: Đủ vốn chưa chắc đủ an toàn

Đủ vốn chưa chắc đủ an toàn

Tính đến cuối năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 25.408 đồng, tăng gấp 18 lần so với năm 2000, dẫn số liệu từ Bộ Tài chính.

Quy mô vốn chủ sở hữu của các DNBH phi nhân thọ cũng tăng nhanh, theo đó, 5 DNBH vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 49,6% của toàn thị trường); 12 DNBH có vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 34,4%); 13 DNBH có vốn chủ sở hữu dưới 500 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 16%).

Mặc dù vẫn đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu, vốn chủ hữu, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, có một số DNBH phi nhân thọ tiềm ẩn một số vấn đề.

Cụ thể, một số DNBH phi nhân thọ có hệ số thanh toán nhanh (tỷ lệ giữa Tài sản có tính thanh khoản cao/Tài sản nợ ngắn hạn) thấp như VASS (17%), Bảo Việt (37%), AAA (57%), GIC (61%).

"Các DNBH này có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay các khoản tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro tích tụ trên diện rộng hoặc chưa thu đòi được nhà tái bảo hiểm", Bộ Tài chính cho hay.

Vẫn theo số liệu từ Bộ Tài chính, một số DNBH phi nhân thọ có tỷ lệ khả năng thu hồi tài sản phải thu trên tổng phải thu ngắn hạn thấp như Groupama (17%), AAA (39%). Bộ này cho biết, đây là những DNBH có tỷ lệ nợ xấu cao nên phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nhiều.

Một số DNBH có tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm gốc trên vốn chủ sở hữu bình quân cao là Bảo Việt (2,8 lần), PVI (2,8 lần), PJICO (2,9 lần); một số DNBH có tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm gốc trên vốn chủ sở hữu bình quân thấp là Cathay (0,4 lần), Phú Hưng (0,3 lần), Groupama (0,6 lần), Chubb (0,7 lần), Fubon (0,6 lần), BHV (0,7 lần), QBE (0,7 lần).

"Chỉ tiêu này đánh giá mức độ đầy đủ của vốn chủ sở hữu với tổng các trách nhiệm bảo hiểm (chưa tính đến tái bảo hiểm). Chỉ tiêu này càng lớn thì yêu cầu về vốn để đối phó với những biến động bất thường về tổn thất càng lớn. Tuy nhiên, chỉ tiêu này càng nhỏ thì các doanh nghiệp chưa sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả, chưa khai thác được hết tiềm năng", Bộ Tài chính nhận định.

Một số DNBH có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm là AAA (-74%), VASS (-43%), AIG (-29%), Phú Hưng (-18%). Bộ Tài chính cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do các DNBH hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa hiệu quả (VASS, AIG), đầu tư tài chính chưa hiệu quả (AAA) và có chi phí quản lý doanh nghiệp cao (AIG, Phú Hưng).

Bên cạnh đó, có một số DNBH bị thâm hụt nguồn vốn góp của chủ sở hữu, có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn điều lệ nhỏ hơn 100% là AAA (23%), AIG (38%), Liberty (43%), Groupama (58%), Phú Hưng (72%). Các DNBH này hầu hết đều lỗ trong nhiều năm dẫn đến lỗ lũy kế lớn khiến nguồn vốn chủ sở hữu giảm liên tục qua các năm.

Một số DNBH có chất lượng tài sản đầu tư thấp (phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư cao) dẫn đến giá trị thực tế của tài sản đầu tư thấp hơn số tiền đầu tư ban đầu như Phú Hưng (87%), AAA (87%), VASS (88%), PVI (91%).

Về biên thanh toán, hầu hết các DNBH phi nhân thọ đều có biên khả năng thanh toán cao hơn 100% (trừ VASS), dao động từ 103% đến 9.047%, trong đó, 8 DNBH (Bảo Việt, GIC, AAA, PJICO, Bảo Minh, ABIC, MIC, PVI) có biên khả năng thanh toán dưới 200%.

Theo quy định hiện hành, DNBH được coi là có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi biên khả năng thanh toán thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu (<100%).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, để cảnh báo sớm và nhạy cảm hơn với những rủi ro mà DNBH có thể gặp phải, quy định các nước thường yêu cầu DNBH phải chủ động có biện pháp can thiệp sớm, từ khi biên khả năng thanh toán gần tiến tới biên khả năng thanh toán tối thiểu (từ 200%, 150%,..).

"Trường hợp DNBH không thể khắc phục được, cơ quan quản lý cần tiến hành các biện pháp cần thiết trước khi DNBH mất khả năng thanh toán", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đối với các DNBH nhân thọ, đến hết năm 2017, 16/18 DNBH nhân thọ đều có vốn điều lệ lớn hơn 1.000 tỷ đồng, chỉ có 02 doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp hơn 1.000 tỷ đồng là VCLI và Phú Hưng. Trong đó, có những DNBH (như Prudential, Manulife, Daiichi) có vốn chủ sở hữu gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của các DNBH khác (VCLI, Phú Hưng, Hanwa, BIDV-Metlife).

Bộ Tài chính nhận định, mức vốn pháp định ban đầu cố định có thể là thừa đối với các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại không đủ để đảm bảo khả năng thanh toán về dài hạn đối với các doanh nghiệp lớn.

Về biên thanh toán, các DNBH nhân thọ đều có khả năng thanh toán cao hơn so với biên khả năng thanh toán tối thiểu. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có chênh lệch lớn giữa biên khả năng thanh toán và biên khả năng thanh toán tối thiểu.

Đề xuất tính mức vốn tối thiểu dựa trên việc lượng hóa rủi ro

Theo thông tin từ Cục Bảo hiểm, Bộ Tài chính, vốn pháp định đối với các DNBH hiện nay được phân loại theo loại hình doanh nghiệp (600 tỷ đến 1000 tỷ đồng đối với các DNBH nhân thọ; 300 tỷ - 400 tỷ đồng đối với DNBH phi nhân thọ; 4 tỷ đồng đối với doanh nghiệp môi giới). Đối với từng loại hình bảo hiểm, yêu cầu về vốn pháp định tăng dần theo mức độ phức tạp của nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh.

Trong quản lý vốn chủ sở hữu, quy định hiện hành yêu cầu DNBH phải duy trì vốn chủ sở hữu luôn cao hơn vốn pháp định.

Bộ Tài chính nhìn nhận, yêu cầu về vốn pháp định, vốn chủ sở hữu hiện này đang áp dụng thống nhất giữa các DNBH hoạt động trong cùng một lĩnh vực và có cùng phạm vi hoạt động, không phân biệt quy mô hay rủi ro khác nhau.

Tuy nhiên, "hoạt động kinh doanh của DNBH ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố và rủi ro hỗn hợp của nhiều lĩnh vực như biến động thị trường tài chính, thị trường đầu tư, công nghệ,... Các tác động này càng lớn và khó dự báo, đặc biệt đối với các DNBH cung cấp hợp đồng bảo hiểm dài hạn (có hợp đồng thời hạn lên tới 99 năm)", trích đánh giá của Bộ Tài chính.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất yêu cầu DNBH tính toán mức vốn tối thiểu tương ứng với các rủi ro của DNBH. Cùng với đó, yêu cầu doanh nghiệp phải duy trì vốn hiện có cao hơn so với vốn tối thiểu tương ứng tương ứng với rủi ro của DNBH.

Bộ tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý dựa trên kết quả tính toán về yêu cầu vốn và vốn tối thiểu trên cơ sở rủi ro.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động đầu tư theo hướng bỏ giới hạn các tài sản đầu tư mà doanh nghiệp có thể đầu tư vào như quy định hiện tại, thay vào đó, tính toán số vốn tối thiểu cần thiết tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của từng doanh nghiệp.

"Những doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình tài sản đầu tư có độ rủi ro cao, tính thanh khoản thấp sẽ có yêu cầu về vốn tối thiểu cao hơn so với các doanh nghiệp đầu tư vào các tài sản có tính an toàn cao", Bộ Tài chính cho biết.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-du-von-chua-chac-du-an-toan-20180504224223112.htm