Doanh nghiệp bắt đầu tẩy chay mạng xã hội

Lâu nay, phía chính quyền và xã hội đã hình thành những đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ hơn về trách nhiệm pháp lý, đạo lý cũng như xã hội của các mạng xã hội.

Doanh nghiệp bắt đầu tẩy chay mạng xã hội

Doanh nghiệp bắt đầu tẩy chay mạng xã hội

Ở một số nơi trên thế giới, luật pháp đã được ban hành và biện pháp hành chính đã được thực thi để chế tài các mạng xã hội trên các phương diện này. Tuy nhiên, kết quả có thể thu về được cho đến nay không chỉ vẫn còn rất ít ỏi, mà hoàn toàn chưa đủ để buộc các mạng xã hội phải nhận thức và ý thức được đầy đủ về trách nhiệm này, cụ thể ở đây là trách nhiệm về tính chuẩn xác của thông tin và về nội dung thông tin được đăng tải và truyền tải trên mạng xã hội.

Bây giờ, các doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia vào việc gây áp lực để buộc các mạng xã hội thay đổi nhận thức và hành động.

Vụ việc người đàn ông da đen 46 tuổi George Floyd bị cảnh sát người da trắng ghì cổ cho đến chết ngạt ở thành phố Minneapolis của Mỹ giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của 3 viên cảnh sát người da trắng khác đóng vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển biến thái độ này của các doanh nghiệp.

Sau vụ việc ấy, trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Twitter, Instagram.... xuất hiện rất nhiều nội dung cổ súy cho phân biệt đối xử người da mầu và sử dụng bạo lực đối với người không phải da trắng, biện minh và tán dương hành vi giết người của cảnh sát người da trắng ở Mỹ.

Trong khi đó, trên khắp thế giới bùng phát làn sóng biểu tình sôi sục phản đối phân biệt mầu da và bạo lực của cảnh sát người da trắng đối với người da mầu ở nước Mỹ cũng như phản đối phân biệt đối xử về sắc tộc và mầu da cũng như đòi hỏi nhận thức lại về thời kỳ chiếm hữu nô lệ và thuộc địa trong quá khứ.

Ở nhiều nơi trên thế giới, chuyện này còn lấn át cả lo ngại chung của người dân về diễn biến và tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Các mạng xã hội vì thế bị phê phán mạnh mẽ và các doanh nghiệp tiếp tục quảng cáo trên các mạng xã hội này hay dùng các mạng xã hội này để hoạt động kinh doanh cũng bị lên án và chỉ trích mạnh mẽ không kém.

Chỉ cần công chúng tẩy chay các mạng xã hội thôi, việc quảng cáo hay kinh doanh trên xác mạng xã hội sẽ trở nên chẳng khác gì quẳng tiền ra cửa sổ đối với các doanh nghiệp. Tình thế mới này buộc các doanh nghiệp, kể cả khi trong thâm tâm không hề muốn, phải thể hiện quan điểm thái độ không đồng tình với các mạng xã hội và hòa đồng vào làn sóng chung trên thế giới chống phân biệt sắc tộc và bạo lực của cảnh sát người da trắng đối với người da mầu.

Dịch bệnh tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội ở mọi nơi trên thế giới. Công chuyện sản xuất kinh doanh của giới kinh tế bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Ngân quỹ của các doanh nghiệp dành cho quảng cáo và tiếp thị trong bối cảnh tình hình như thế không thể dồi dào và dư dả được. Giảm bớt hoạt động quảng cáo tiếp thị mà lại với lý do có tác động chính trị, xã hội và truyền thông như thế chẳng phải nhất cử lưỡng tiện hay sao.

Các doanh nghiệp phải hạn chế hợp tác với hoặc tẩy chay các mạng xã hội còn vì hiện tại có nhu cầu cấp thiết tránh bị công chúng coi là cùng hội cùng thuyền với các mạng xã hội trong việc để cho bị lợi dụng và lạm dụng vào mục đích cổ súy hay bảo vệ phân biệt sắc tộc và bạo lực. Khi ấy, các doanh nghiệp không thể ngụy biện rằng bị vạ lây bởi các mạng xã hội mà bị coi là đồng lõa với các mạng xã hội.

Công chúng sẽ không chỉ phản đối và tảy chay các mạng xã hội nữa mà còn phản đối và tẩy chay cả các doanh nghiệp. Đồng thời, tẩy chay các mạng xã hội trong bối cảnh tình hình hiện tại, với biện luận hiện tại cũng lại còn có thể là chiêu thức quảng cáo tiếp thị rất công hiệu của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được để ý đến, được tán đồng và ủng hộ, từ đó chinh phục được cả tình cảm lẫn lý trí của công chúng. Gây áp lực với các mạng xã hội bằng cách ấy, các doanh nghiệp có thể mặc cả điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp tục hợp tác với các mạng xã hội khi mọi sôi động hiện tại lắng xuống và dần trôi vào quên lãng.

Không phải vô cớ mà đến thời điểm hiện tại đã có gần 500 doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều thuộc diện danh giá và ảnh hưởng nhất trên thế giới, tuyên bố tẩy chay vô thời hạn hoặc có thời hạn các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter hay Instagram.

Dù vậy, có thể chắc chắn, mạng xã hội nói riêng và báo chí, truyền thông số nói chung ở thời đại khoa học, kỹ thuật và công nghệ số sẽ càng ngày càng bị chính trị, pháp luật và xã hội kiềm chế và giám sát trên phương diện tính xác thực của thông tin và nội dung thông tin. Những tiêu chí đặt ra cho trách nhiệm của các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử về pháp lý, đạo lý và xã hội sẽ ngày càng nhiều, càng cao và càng cụ thể.

Các cơ chế và biện pháp chế tài đối với các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử cũng sẽ ngày càng thêm chặt chẽ, toàn diện và nghiêm khắc. Điều này rất cần thiết và có tác động tích cực bởi chỉ như thế mới có thể có được môi trường lành mạnh trên mọi phương diện cho sự tồn tại và phát triển của các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử.

Tương lai của các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử phụ thuộc ở mức độ rất quan trọng, nếu như không muốn nói là quyết định, vào nguồn tài chính có được từ hoạt động quảng cáo, tiếp thị của giới kinh tế và hợp tác với giới kinh tế.

Vì thế, cả giới kinh tế cũng phải chịu trách nhiệm tương tự về pháp lý, đạo lý và xã hội trong hoạt động của họ với và trên các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử. Các doanh nghiệp không từ bỏ hoàn toàn hoạt động quảng cáo tiếp thị và kinh doanh trên và với các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử nhưng phải tự điều chỉnh và cơ cấu, định hướng lại quan hệ hợp tác với các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử.

Trật tự và kỷ cương trong thế giới ảo tiếp tục định hình, được củng cố và hoàn thiện. Các mạng xã hội, báo chí và truyền thông điện tử sẽ không thể tự tung tự tác và bất chấp mọi quan ngại từ phía chính giới, chính quyền và xã hội, từ phía chính trị và pháp lý như lâu nay nữa./.

Lũng Nhai

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/doanh-nghiep-bat-dau-tay-chay-mang-xa-hoi-n20980.html