Doanh nghiệp bơm tạp chất vào tôm bị phạt 170 triệu đồng

UBND tỉnh Cà Mau vừa ra quyết định xử phạt chủ cơ sở kinh doanh thủy sản Nguyễn Thành Nhân (huyện Năm Căn) 170 triệu đồng về hành vi tổ chức đưa tạp chất vào tôm sú nguyên liệu. Cơ sở này còn bị đình chỉ hoạt động hai tháng, tịch thu tiêu hủy 9 bình bơm tạp chất, 2 thùng nhựa có chứa 37 kg tạp chất.

KTNT- Phạt doanh nghiệp bơm tạp chất vào tôm, Hà Nội kỳ vọng về một tuyến phố kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm là những tin tức nổi bật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh thành tuần qua.

Doanh nghiệp bơm tạp chất vào tôm bị phạt 170 triệu đồng

Hơn tuần trước, Cảnh sát môi trường tỉnh Cà Mau kiểm tra cơ sở của ông Nhân, bắt quả tang nhiều công nhân bơm chất agar vào hàng chục kg tôm nguyên liệu, trước khi bán ra thị trường.

Phát hiện, bắt giữ 600kg chim cút đông lạnh đã bốc mùi

Đội Cảnh sát giao thông Công an Diễn Châu, Nghệ An vừa phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 600 kg chim cút đã qua giết mổ, không giấy tờ và đã bốc mùi.

Chim cút bốc mùi hôi thối được đựng trong thùng xốp bị lực lượng chức năng bắt giữ

Vào lúc 6h30 phút sáng nay tại địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Đội Cảnh sát giao thông Công an Diễn Châu kiểm tra xe ô tô khách mang BKS 49B- 00868 do ông Nguyễn Văn Thủy (trú huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) điều khiển.

Tổ công tác phát hiện trên xe có chở 10 thùng xốp chứa 600 kg chim cút đã qua giết mổ. Số chim cút trên đã bốc mùi hôi thối và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm. Lái xe khai nhận chở thuê số chim cút trên cho khách hàng từ Đà Nẵng ra Hà Nội tiêu thụ.

Sau khi kiểm tra, lập biên bản, tất cả số chim cút trên đã được bàn giao cho Trạm chăn nuôi và thú y huyện Diễn Châu tiêu hủy theo quy định của pháp luật

Hà Nội kỳ vọng về tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm

Tuyến phố này sẽ đáp ứng chuẩn 10 tiêu chí về ATTP và dự kiến chính thức được đưa vào hoạt động tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) vào tháng 12 tới. Nếu hiệu quả, mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn Thủ đô.

Mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” được UBND quận Thanh Xuân xây dựng trên phố Thượng Đình, tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ lượng khách hàng tương đối lớn.

Kỳ vọng về một tuyến phố an toàn thực phẩm đang được xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Khi chính thức hoạt động, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ mỗi cơ sở từ 2 lần trở lên trong 1 tuần.

Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố chủ yếu là tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Vì vậy, để chuyển sang một mô hình hoàn toàn mới là việc không đơn giản.

Ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho biết, để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình, địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp.

Theo đó, đơn vị sẽ tập trung triển khai chu đáo từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch…

Theo kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân, ngoài tuyến phố Thượng Đình, trong 3 năm tới, quận phấn đấu sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường trên địa bàn.

Trước đó, từ tháng 7 vừa qua, quận Thanh Xuân đã thí điểm mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại 5 phường trên địa bàn quận.

Việc mở các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn này, theo bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, sẽ tạo sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm khi triển khai mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở thí điểm tại quận Thanh Xuân, Thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng chia sẻ, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong hơn 10 tháng đầu năm 2017, toàn Thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về VSATTP, kiểm tra 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 6.948 cơ sở với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố vẫn xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 9 người mắc, 11 vụ ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) làm 37 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Gần 100 công nhân Pungkook Bến Tre nhập viện: Nghi ngộ độc nấm bào ngư

Vụ việc gần 100 công nhân Pungkook Bến Tre nhập viện sau bữa cơm chiều đã được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bến Tre vào cuộc điều tra xác định nguyên nhân. Theo đó, nguyên nhân ban đầu nghi do nấm bào ngư.

Như đã đưa tin trước đó, vào khoảng 18h chiều 29/11, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu và Bệnh viện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) tiếp nhận 83 ca. Riêng, Bệnh viện Quân y 120 (tỉnh Tiền Giang) tiếp nhận một ca là công nhân Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre.

Gần 100 công nhân của công ty bị ngộ độc đang được chăm sóc tại bệnh viện.

Các bệnh nhân có triệu chứng chung là chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi và buồn nôn. Theo chẩn đoán, các công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin ban đầu nhận được, khoảng 16h30, ngày 29/11, các công nhân được nghỉ ăn chiều. Sau khi ăn khoảng 30 phút, nhiều người có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi. Được biết, suất ăn của công nhân là suất ăn chay, thực đơn bao gồm: cơm, súp nui với nấm bào ngư và chả chay.

Sáng 30/11, bác sĩ Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bến Tre cho biết, 91 công nhân nhập viện sau bữa ăn chiều 29/11 tại Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre (KCN Giao Long, huyện Châu Thành) đã ổn định sức khỏe và chuẩn bị làm thủ tục xuất viện.

Bác sĩ Mướt cũng cho biết, qua điều tra sơ bộ nguyên nhân khiến các công nhân trên phải nhập viện sau bữa ăn chiều 29/11 nghi do nấm bào ngư.

Đoàn kiểm tra đã xuống đơn vị cung cấp thức ăn cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Pungkook tại Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành, Bến Tre) là Chi nhánh 1, Công ty Cổ phần Power 3 để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này vi phạm 4 nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm gồm: Lỗi về giấy tờ nguồn nguyên liệu, hệ thống nước sử dụng chế biến thức ăn không theo quy định, nhân viên chế biến không đảm bảo thực hiện vệ sinh, để xảy ra ngộ độc. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu để đưa đi xét nghiệm.

Trước đó, sau bữa ăn chuyển ca ngày 8/8/2017, hàng chục công nhân làm việc tại Công ty TNHH SH Intevernationnal (trụ sở thôn Trường Phúc, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cũng đã có biểu hiện đau bụng đi ngoài, chóng mặt, buồn nôn và phải nhập viện cấp cứu.

Được biết, Công ty TNHH SH Intevernational có khoảng 400 công nhân. Đơn vị cung cấp suất ăn hàng ngày cho các công nhân là công ty TNHH VN EOC (địa chỉ P. 911, Nhà F5, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Yên Hòa, Hà Nội) thức ăn được chế biến ngay tại công ty.

Các cơ quan chức năng và quản lý Nhà nước cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để xử lý những vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn đang được các đối tượng vận chuyển tiêu thụ trên thị trường và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn.

Ngọc Thủy (TH)

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/doanh-nghiep-bom-tap-chat-vao-tom-bi-phat-170-trieu-dong-post9810.html