Doanh nghiệp cá tra đang đến hồi 'thái lai'?

Sau một năm tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận, hiện các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn đang đứng trước cơ hội thúc đẩy hơn nữa kim ngạch xuất vào các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới khai phá nhờ nhu cầu thế giới về loại cá da trơn này tiếp tục đứng ở mức cao.

Sự cân đối cung cầu có ý nghĩa sống còn không chỉ với bà con nông dân, mà cả doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Lợi thế giá vốn bán hàng

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của các doanh nghiệp cá tra như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), tỷ trọng giá vốn bán hàng/doanh thu đã giảm ngoạn mục, chủ yếu do sự gia tăng giá bán của sản phẩm đầu ra.

Đối với Vĩnh Hoàn, cả ba thị trường tiêu thụ chủ lực của công ty là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều hút hàng. Các sản phẩm của VHC chiếm khoảng 50% lượng nhập khẩu cá tra của Mỹ, hoặc 2% tổng lượng tiêu thụ thủy hải sản tại Mỹ. Từ nhiều năm nay, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Mỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác, Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế suất xuất khẩu ưu đãi vào Mỹ, có thời điểm là 0%.

Năm ngoái doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng trưởng 14,4% nhưng biên lợi nhuận ròng đã tăng hơn gấp đôi, từ 7,4% năm trước đó lên 16%, theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt. VHC cũng tiết giảm được hơn 60 tỉ đồng chi phí bán hàng và giữ nguyên chi phí quản lý doanh nghiệp.

Thủy sản Nam Việt ghi nhận bước đột phá về doanh thu từ 2.949 tỉ đồng năm 2017 lên 4.118 tỉ đồng năm 2018. Lợi nhuận thuần thậm chí tăng hơn ba lần, từ 198 tỉ đồng lên 690 tỉ đồng. Hơn mười năm trước, ANV đã từng là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu cả nước, nhưng sau đó kinh doanh cốt lõi sụt giảm do đầu tư dàn trải ngoài ngành.

Lãnh đạo ANV đã kiên quyết thoái vốn khỏi các hoạt động đầu tư khai thác cromit, tuy nhiên quá trình này lấy của doanh nghiệp tương đối nhiều thời gian. Mãi đến năm 2016 Nam Việt mới thực sự trở về tập trung cho con cá tra. Bản thân ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị ANV, đã cho công ty vay hàng trăm tỉ đồng không lấy lãi, nhờ đó ANV tiết kiệm được chi phí tài chính.

Lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn và Nam Việt (và một đơn vị khác là thủy sản Biển Đông) chỉ riêng trong năm 2018 đã đánh dấu sự trở lại của xuất khẩu cá tra trong xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam. Tất nhiên thị giá cổ phiếu của VHC và ANV trên sàn HOSE trong vòng một năm tăng gấp đôi.

ACL tuy kém VHC và ANV về quy mô nuôi trồng, sản xuất, doanh thu, nhưng lại đang vượt lên về hiệu quả kinh doanh. Lợi nhuận thuần của ACL từ chỗ 24 tỉ đồng năm 2017, đột biến lên 266 tỉ đồng năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cùng thời gian trên từ 22 tỉ tăng lên 236 tỉ đồng, lọt vào danh sách những doanh nghiệp niêm yết có EPS hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.Với quy mô nhỏ, ACL và một số doanh nghiệp khác đã dồn lực khai thác thị trường Trung Quốc. Hiện với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái còn hơn 300 tỉ đồng, cao hơn vốn điều lệ, ACL có điều kiện mở rộng quy mô và xuất khẩu vào Mỹ.

Nhu cầu vốn lưu động cao

Hầu hết các doanh nghiệp như VHC, ANV, ACL đều không vay vốn ngân hàng dài hạn, nhưng các khoản vay và thuê mua tài chính ngắn hạn khá cao do đặc điểm ngành kinh doanh cá tra đòi hỏi nhiều vốn lưu động. Hiện Nam Việt có khoản nợ ngắn hạn 1.251 tỉ đồng, trong đó ông Doãn Tới cho vay 215 tỉ đồng kỳ hạn 12 tháng lãi suất 0%. Ông Doãn Tới và những người liên quan trong gia đình đang sở hữu gần 77% cổ phần của Nam Việt.

Số nợ ngắn hạn của Vĩnh Hoàn cũng gần bằng của Nam Việt, 1.269 tỉ đồng tính đến cuối năm ngoái. So với vốn chủ sở hữu hơn 4.000 tỉ đồng, mức độ vay nợ của VHC là an toàn. Riêng ACL có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao hơn một lần. Ngoài nhà xưởng, quyền sử dụng đất, các doanh nghiệp cá tra còn sử dụng cả hàng tồn kho là sản phẩm cá đã chế biến, cộng thêm các khoản phải thu của khách hàng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Các ngân hàng, theo tìm hiểu của chúng tôi, cho vay xuất khẩu cá tra rất chọn lọc. Ngoài kỳ hạn vay ngắn, ngân hàng theo dõi kỹ tiến độ xuất khẩu và thu tiền của doanh nghiệp. Ngoài bốn “ông lớn” Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, một số ngân hàng nước ngoài và ngân hàng cổ phần cũng cho vay cá tra dựa trên nhận định đầu ra của các doanh nghiệp năm nay tiếp tục khả quan.

Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng dài hạn của thủy hải sản toàn cầu khi sản lượng đánh bắt tự nhiên từ biển đang giảm dần. Thứ hai, do thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia, nguồn cung cá thịt trắng giảm khiến thị trường cá tra chuyển sang thiếu hụt. Khả năng El Nino xuất hiện năm nay có thể tác động tiêu cực lên sản lượng cá tra, nên giá cả khó giảm sâu.

Mặt khác, sau khi Mỹ áp thuế 10% lên cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và vẫn để ngỏ khả năng nâng mức thuế lên 25% nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung không mang lại kết quả, áp lực cạnh tranh của cá rô phi lên cá tra tại thị trường Mỹ giảm rõ rệt. Quí 3-2018 Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ cho phép tám công ty Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ và giảm thuế chống bán phá giá cho bốn công ty xuống mức gần bằng không (0%).

Đề cập đến thuế chống bán phá giá cá tra, không thể không nhắc đến Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG). Theo báo cáo tài chính quí 1-2019 của HVG (từ ngày 1-10 đến 31-12-2018 do năm tài chính của HVG kết thúc vào ngày 30-9 hàng năm), doanh thu thuần của công ty giảm hơn một nửa song lợi nhuận gộp cải thiện tương đối khá và các khoản mục khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều đang tốt hơn. Kết thúc quí này, HVG đã có lãi 14 tỉ đồng cho dù số lỗ lũy kế từ những năm trước còn lớn.

HVG đã thanh lý nhiều tài sản và giảm nợ vay từ trên 11.000 tỉ đồng xuống còn hơn 3.000 tỉ đồng hiện tại. Vấn đề của Hùng Vương là phải chờ đến đầu tháng 4 tới xem Mỹ có giảm thuế chống bán phá giá về 0% (hoặc về mức rất thấp) cho công ty hay không. Trong thời gian chờ đợi, một số ngân hàng đã tạm dừng cho HVG vay nên doanh nghiệp khó khăn về vốn lưu động.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HVG, tin tưởng vào khả năng HVG sẽ được giảm thuế và khi đó công ty có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông riêng lẻ để huy động vốn. Không ai nghi ngờ nếu có vốn và chỉ tập trung vào kinh doanh cốt lõi với con cá tra, HVG sẽ “bật dậy” nhanh vì cơ sở nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu của công ty vẫn còn giữ nguyên.

Một vấn đề nổi lên gần đây của cá tra là việc do giá cá cao, người nuôi có lời, phong trào nuôi cá bắt đầu quay trở lại. Điều này làm giá mua cá tra giảm lại một tỷ lệ phần trăm nhất định. Việc đẩy mạnh nguồn cung khi nhu cầu thế giới tăng cao là cần thiết, nhưng sự cân đối cung cầu có ý nghĩa sống còn không chỉ với bà con nông dân, mà cả doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đòi hỏi của thị trường Trung Quốc về chất lượng cá tra cũng ngày càng khắt khe hơn. Do đó tìm và giữ thị trường tiêu thụ ổn định cả xuất khẩu lẫn nội địa cần phải được doanh nghiệp cá tra luôn luôn đặt lên hàng đầu như một nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên.

Lưu Hảo

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285921/doanh-nghiep-ca-tra-dang-den-hoi-thai-lai.html