'Doanh nghiệp cần cân nhắc khi xin gia hạn thuế'

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho rằng doanh nghiệp cần ý thức việc tạm lùi thời gian nộp thuế không phải là miễn, giảm nên có thể cộng dồn áp lực thuế vào cuối năm.

Đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại tọa đàm “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất” diễn ra hôm nay (17/6).

Cụ thể, Phó viện trưởng CIEM cho biết sau gần 2 tháng Nghị định 52 có hiệu lực, chính sách của Chính phủ, cơ quan thuế đã góp phần lớn vào việc hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Không phải chính sách miễn, giảm thuế

Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trước đó tại Nghị định 41 cũng đã được sửa đổi, tháo gỡ ở Nghị định 52, bao gồm mở rộng đối tượng thụ hưởng và thời gian gia hạn, thủ tục gia hạn đơn giản hơn…

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết vẫn còn những băn khoăn trong cộng đồng doanh nghiệp với những chính sách của Nghị định 52, đặc biệt liên quan vấn đề thanh tra, truy thu sau khi doanh nghiệp đã xin gia hạn.

“Doanh nghiệp phải ý thức rõ đây chỉ là tạm lùi thời gian nộp thuế, không phải miễn giảm nên việc xin gia hạn sẽ cộng dồn các nghĩa vụ thuế vào cuối năm. Điều này có thể là khó khăn về dòng tiền cho một số doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Để tránh những rủi ro có thể gặp phải khi xin gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Phó viện trưởng CIEM lưu ý doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng trong hoạt động kinh doanh để cân đối với số tiền phải nộp cộng dồn vào cuối năm.

 Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào một gói chính sách chung đồng bộ hơn để mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp không phát sinh thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất đã đóng một lần hoặc hàng năm… Đặc biệt, ông Hiếu cho rằng Tổng cục Thuế cần làm rõ thêm về những rủi ro pháp lý với doanh nghiệp khi thực hiện đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đấy, trong đó có vấn đề thanh tra, truy thu thuế sau khi xin gia hạn.

“Doanh nghiệp xin ưu đãi xong về phải yên tâm sản xuất kinh doanh, chứ không nên để doanh nghiệp xin xong về lại phải lo lắng xem đã xin đúng chưa, mình có đúng là thuộc diện được ưu đãi thuế không, sau này có bị truy thu, phạt chậm nộp không…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Mở rộng đối tượng gia hạn thuế, tiền thuê đất

Tại buổi tọa đàm, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết những chính sách ưu đãi về thuế luôn được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ thuế là một hướng đi đúng của cơ quan quản lý.

Về phía hiệp hội, ông Nam cho biết đã có thông báo khuyến cáo doanh nghiệp xin hoãn, giãn thuế chỉ mang tính thời điểm, do đó doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp khi đề nghị áp dụng chính sách này.

Ông Nam cho rằng từ năm 2020, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có những chính sách riêng biệt cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh với có những đặc điểm khác so với khu vực doanh nghiệp nói chung.

Các chuyên gia đều lưu ý doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trước khi xin gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất vì đây không phải chính sách miễn, giảm. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy vậy, vị Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định các chính sách thuế nói chung vẫn cần đảm bảo tính trung lập, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cần có tính hiệu quả cao, để tiếp cận được tối đa đối tượng thụ hưởng.

Đại diện Tổng cục Thuế tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế cho biết Nghị định 52 đã có nhiều thay đổi, trong đó quy định cụ thể về thời gian gia hạn, đối tượng và thủ tục để gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cá nhân, doanh nghiệp.

Nghị định chấp nhận gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6 và quý I, quý II năm nay; gia hạn 4 tháng với số thuế GTGT tháng 7, gia hạn 3 tháng với số thuế GTGT tháng 8.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định chấp nhận gia hạn 3 tháng với số tạm nộp quý I, II của kỳ tính thuế năm 2021; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNCN chậm nhất ngày 31/12; và gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021.

Về đối tượng thụ hưởng, Nghị định cũng chỉ rõ cá nhân, doanh nghiệp thuộc 44 ngành, nghề theo ngành nghề kinh tế quốc dân thuộc nhóm được gia hạn. Ngoài ra, với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Nghị định sẽ không tính đến hoạt động trong ngành nghề nào mà chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chí về số lượng lao động, doanh thu năm 2020, tổng vốn kinh doanh… là được hỗ trợ.

“Một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngân hàng thương mại triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo gói chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng thuộc đối tượng được gia hạn”, bà Hà cho biết.

Vụ trưởng Vụ tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế cũng cho biết để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng làm thủ tục gia hạn, Nghị định 52 chỉ yêu cầu người nộp thuế thuộc đối tượng gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ kỳ của các sắc thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-can-can-nhac-khi-xin-gia-han-thue-post1228335.html